Việc khắc phục sau cháy chợ bắt đầu, tiểu thương được tiếp cận hiện trường, những câu chuyện về vàng, về tiền đã được nhắc đến
> 1 ngày sau cháy ở chợ Quảng Ngãi
> Toàn cảnh, diễn biến vụ cháy chợ Quảng Ngãi
Sáng 10/2, UBND TP Quảng Ngãi tổ chức buổi họp mặt, chia sẻ khó khăn với tiểu thương sau khi cháy chợ. Tại cuộc họp, có đại diện UBND tỉnh, TP Quảng Ngãi và Công ty Cổ phần nông sản thực phẩm (đơn vị quản lý, kinh doanh chợ Quảng Ngãi) cùng gần 1.000 tiểu thương.
Phản ứng của các tiểu thương: Các tiểu thương phản ảnh về công tác quản lý chợ, trách nhiệm của bảo vệ, công tác phòng cháy chữa cháy, phương án bố trí chợ tạm, miễn giảm thuế, khoanh nợ, giãn nợ và phương án vay vốn để tái sản xuất, kinh doanh, buôn bán…
Đa số các tiểu thương bị thiệt hại trong vụ hỏa hoạn cho rằng mức hỗ trợ mà các đơn vị đưa ra (14 triệu đồng/tiểu thương) là quá thấp. Đồng thời, yêu cầu các ngành chức năng cho biết phương án giải quyết khó khăn cho họ sau khi kê khai tài sản bị thiệt hại; mức áp dụng miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, giá trị gia tăng; phương án xây dựng chợ tạm bao lâu thì xong; tập thể và cá nhân nào chịu trách nhiệm sau vụ cháy cũng như liệu có được vay ưu đãi ngân hàng để tái đầu tư kinh doanh, buôn bán.
Phản ứng từ chính quyền: Chia sẻ khó khăn với bà con tiểu thương, ông Lê Quang Thích - phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng mất mát của bà con là quá lớn, tỉnh sẽ làm hết sức bằng việc huy động nội lực và kêu gọi các cá nhân, tập thể, địa phương khác hỗ trợ bà con bị thiệt hại trên tinh thần “lá lành đùm lá rách”.
Đồng thời, ông Thích đã chỉ đạo công ty trong 45 ngày phải làm xong chợ tạm cho bà con kinh doanh; đề xuất hướng xây dựng chợ mới ngay lập tức và ưu tiên bố trí cho các hộ bị thiệt hại.
Phản ứng từ phía đơn vị quản lý chợ: Ông Ngô Văn Tươi, Phó Tổng giám đốc Cty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi, nói: “Sau khi có kết luận điều tra, nếu vụ cháy này có liên quan trách nhiệm đến Cty thì chúng tôi cũng sẽ phải chấp hành.
Đối với cán bộ và bộ phận quản lý chợ trực tiếp mà có sai sót gây ra hậu quả nghiêm trọng mà cơ quan CSĐT quy trách nhiệm thì Cty nghiêm túc xử lý”. Ngoài sự hỗ trợ của tỉnh, thành phố, Cty sẽ trích 4 tỷ đồng để hỗ trợ mỗi hộ kinh doanh 3 triệu đồng/tháng trong 3 tháng.
Cty sẽ làm việc với tỉnh để có văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng ưu đãi thuế, khoanh nợ những khoản vay kinh doanh bị thiệt hại, đồng thời hỗ trợ cho vay mới với lãi suất ưu đãi.
Công cuộc tái thiết bắt đầu cùng chuyện tiền, chuyện vàng
Sau khi họp để chia sẻ những khó khăn của tiểu thương sau khi cháy chợ, UBND TP Quảng Ngãi đã bắt đầu cho những tiểu thương vào chợ tìm kiếm tài sản có thể còn sót lại. Lực lượng Công an đã bố trí cho từng tốp tiểu thương (2-5 người) vào cổng chính của chợ, tiếp cận hiện trường.
Có rất nhiều tiểu thương không chỉ để tiền mà còn để két sắt, vàng trong chợ. Khi tiếp cận hiện trường để tìm lại cũng có người mừng vui, cũng có người thất vọng.
Tiểu thương Bùi Thị Mai cho biết, chị có một số tiền và vàng được cất trong một chiếc thùng để trong sạp quần áo. Tuy nhiên, sau gần nửa tiếng tìm kiếm vẫn không tìm được gì, tất cả đều thành tro.
Gia đình ông Lương Hồng Thắng ở thị trấn Sơn Tịnh có 4 người kinh doanh tại chợ Quảng Ngãi với 9 sạp hàng có quy mô lớn. Riêng ông Thắng thiệt hại hơn 3,6 tỷ đồng, trong đó có 430 triệu tiền mặt để trong két sắt tại quầy hàng.
Cũng có nhiều người may mắn òa khóc tìm lại được vàng trong đống tro tàn:
Một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, số tiền cháy của tiểu thương tại chợ Quảng Ngãi vẫn đổi được. Dù vậy, theo vị này, cần phải căn cứ vào hiện trạng mới có quyết định cuối cùng. "Thông thường chỉ những tờ tiền bị cháy nhẹ, dưới dạng sun lại thì có thể đổi được. Trường hợp cháy nhiều thì rất khó. Chúng tôi phải nhìn tận mắt mới biết được", vị này chia sẻ.
Lãnh đạo này cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố sẽ có trách nhiệm giải quyết, thẩm định việc đổi tiền cho người dân. Trong trường hợp cháy chợ tại Quảng Ngãi, cơ quan thực hiện thẩm định cũng như ra quyết định đổi tiền cho người dân là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ngãi. Nếu chi nhánh tại địa phương chưa giải quyết được, sẽ chuyển lên Ngân hàng Nhà nước.
"Nếu đủ điều kiện đổi, mức phí quy định là 4% tổng mệnh giá được đổi. Mức tối thiểu là 2.000 đồng", ông này nói.
Hiện nay, hàng trăm tiểu thương mua bán các mặt hàng thực phẩm đã dời ra dọc tuyến đường Lê Trung Đình để buôn bán tạm. UBND thành phố đã chỉ đạo tiến hành san ủi mặt bằng trước Trung tâm triển lãm để xây dựng chợ tạm, nhằm tạo điều kiện cho bà con tiểu thương buôn bán tạm. Sau khi có chủ trương xây lại chợ trung tâm, sẽ vẫn ưu tiên về mặt thời gian thuê và vị trí buôn bán cho tiểu thương bị thiệt hại trong vụ cháy.
Mạnh Hải (T.H)
Tính đến thời điểm chiều tối ngày 12/2, sau hai ngày tìm kiếm, hàng chục hộ tiểu thương đã tìm thấy từ trong bụi tro hơn 514 chỉ vàng và 8kg kim loại bạc. |