Bộ Xây dựng vừa ban hành quy định công khai thủ tục hành chính trong cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, cấp phép xây dựng, thẩm định thiết kế dự án... Chánh văn phòng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Minh đã trao đổi xung quanh vấn đề này.
Bộ Xây dựng vừa ban hành quy định công khai thủ tục hành chính trong cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, cấp phép xây dựng, thẩm định thiết kế dự án... Chánh văn phòng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Minh đã trao đổi xung quanh vấn đề này.
- Người dân sẽ được lợi gì từ quy định mới này?
- Việc công khai các thủ tục nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cũng như công trình xây dựng; thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng; cấp phép xây dựng... thuận lợi hơn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan. Mặt khác, quy định còn đề cập cụ thể trách nhiệm của chính quyền các cấp, cơ quan tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, trách nhiệm của cán bộ... Đây là cách đảm bảo việc thực hiện quy định thống nhất trên cả nước.
- Thưa ông, việc công khai quy định có phải xuất phát từ thực tế người dân, doanh nghiệp còn bị làm khó khi thực hiện thủ tục tại các cơ quan hữu quan?
- Không hoàn toàn như vậy. Trước đó, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo các sở xây dựng, đơn vị liên quan đến ngành xây dựng cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực phụ trách. Qua kiểm tra tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng... cho thấy kết quả tốt, cần nhân rộng tại các địa phương.
- Nhưng nếu các cơ quan hữu quan không công khai như quy định thì bị xử lý như thế nào?
- Các quy định công khai thủ tục hành chính chứa đựng yếu tố quy phạm pháp luật. Vì vậy các tổ chức, cá nhân liên quan có nghĩa vụ phải thi hành. Đơn vị, cá nhân nào không thực hiện thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý. Những cơ quan có cán bộ vi phạm, bị xử lý thì lãnh đạo cơ quan đó cũng phải chịu trách nhiệm liên đới trước pháp luật.
- Ông nghĩ sao trước ý kiến cho rằng hiện nay quy định trong các lĩnh vực liên quan còn rườm rà, chồng chéo, đó mới là “cái cớ” để cán bộ làm khó dân?
- Công khai quy định chỉ là một trong những biện pháp ngăn ngừa phiền hà, tiêu cực. Ở đây có mối quan hệ chặt chẽ giữa quy định và người thực thi. Có những quy định đã rõ ràng nhưng khi cán bộ thực hiện, giải thích cho dân thì trở nên phức tạp, khó hiểu. Vừa qua, Bộ đã soạn thảo trình Chính phủ ban hành hoặc bộ ban hành các quy định nhằm quản lý hoạt động xây dựng. Hướng là quy định rõ ràng hơn, phân cấp mạnh cho địa phương.
Thực tế còn xảy ra tình trạng gây khó khăn đối với người dân, tôi cho rằng xuất phát từ hai nguyên nhân: thứ nhất là người dân chưa hiểu hết những thủ tục cần thiết nên phải đi lại, bổ sung nhiều lần và do các cơ quan thiếu công khai thủ tục hành chính; thứ hai là cán bộ chưa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình hoặc do yếu về chuyên môn, kém về trách nhiệm, đạo đức. Chính vì vậy quy định công khai thủ tục hành chính, quy định về thái độ, tác phong của cán bộ là hết sức cần thiết trong việc chống tiêu cực.
- Bộ là cơ quan ban hành các quy định và sẽ giám sát việc thực hiện của các địa phương như thế nào?
- Bộ thường xuyên yêu cầu các địa phương báo cáo định kỳ về việc tổ chức thực hiện các quy định đã ban hành. Ngoài ra, bộ cũng chỉ đạo thanh tra chuyên ngành thường xuyên theo dõi, đôn đốc kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định, nhận phản ảnh của người dân qua website của bộ, cử các tổ công tác thường xuyên về địa phương khảo sát, kịp thời tháo gỡ vướng mắc.
(Theo Tuổi Trẻ)