Đô thị Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh chóng. Qua nghiên cứu thực trạng, CPTĐT đã đề xuất một số giải pháp thúc đẩy sự phát triển của đô thị Việt Nam
Đô thị Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh chóng vừa là động lực quan trọng vừa có khả năng phát sinh các nguy có ảnh hưởng đến khả năng bền vững. Qua nghiên cứu thực trạng, CPTĐT đã đề xuất một số giải pháp thúc đẩy sự phát triển của đô thị Việt Nam.
Thực trạng đô thị Việt
Trong những năm qua, mạng lưới đô thị phân bổ hợp lý trên 6 vùng kinh tế xã hội của đất nước.Đô thị phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, tăng từ 629 đô thị (1999) lên 755 đô thị (2011) bao gồm 02 đô thị loại đặc biệt là Thủ đô Hà Nội và TP.HCM, 10 đô thị loại I, 12 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 50 đô thị loại IV và 634 đô thị loại V.
Hệ thống đô thị trung tâm các cấp được phân bổ tương đối hợp lý trong từng vùng, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 30,5%, bình quân tăng khoảng 3,4% năm. Đô thị phát triển là động lực thúc đẩy kinh tế, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Song song với các đô thị hiện hữu, nhiều khu vực kinh tế trọng điểm, gắn với chiến lược phát triển kinh tế biển đảo và khu công nghiệp tập trung đang là tiền đề cho các đô thị mới (ĐTM) hình thành (hiện có khoảng 20 khu kinh tế, 223 KCN tập trung) và trên 650 CCN địa phương).
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được và tốc độ phát triển nhanh chóng; thời gian qua, hệ thống đô thị Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế và thách thức trong quá trình phát triển. Điển hình là các vấn đề nổi cộm như: Tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị đã vượt khả năng điều hành của chính quyền địa phương. Năng lực quản lý phát triển đô thị chưa theo kịp nhu cầu đòi hỏi của thực tế. Sự phát triển không đồng bộ giữa mở rộng không gian đô thị và chất lượng đô thị. Quy hoạch, đánh giá, phân loại nâng cấp đô thị chưa coi trọng tới việc đổi mới, nâng cao chất lượng đô thị. Nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật đô thị lớn, nhưng việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong xã hội còn hạn chế.
Cùng với đó, hiện tượng ùn tắc, tai nạn giao thông vẫn là mối lo ngại tại các đô thị lớn, tỷ lệ đất giao thông, tỷ lệ thoát nước đô thị còn thấp, tình trạng ngập úng cục bộ trong mùa mưa, ô nhiễm môi trường chậm được khắc phục.
Đặc biệt, đô thị Việt Nam còn đang đứng trước các vấn đề lớn phức tạp của quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị như dịch cư, chênh lệch giàu nghèo, nhà ở, lao động, việc làm…
Các giải pháp cho phát triển đô thị Việt
Qua việc nghiên cứu thực trạng trong quá trình phát triển đô thị ở Việt Nam, KTS. Phan Thị Mỹ Linh - Cục trưởng Cục phát triển đô thị đã đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, thúc đẩy đô thị Việt Nam phát triển đồng bộ cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, thực hiện Quyết định số 455/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Điều chỉnh định hướng phát triển đô thị đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050 thông qua các Chương trình phát triển đô thị các cấp. Chương trình phát triển đô thị được xây dựng phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng dài hạn. Phát triển đô thị trên nguyên tắc tạo động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ở mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước theo hướng CNH, HĐH. Kết hợp hài hòa giữa bảo tồn, cải tạo và xây dựng mới, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới để xây dựng đô thị hiện đại. Phát triển đô thị ven biển, hải đảo và dọc hành lang biên giới phải đáp ứng nhiệm vụ ổn định chính trị - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Thứ hai, phát triển đô thị trên cơ sở hoàn thiện chính sách về quy hoạch, kế hoạch, đất đai, tạo điều kiện huy động khai thác nguồn lực cho đầu tư cải tạo, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong phát triển đô thị bằng hệ thống luật pháp, Luật Đô thị, các nghị định quản lý đầu tư phát triển đô thị cần được xây dựng, ban hành kịp thời, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh phù hợp với tiến trình phát triển chung của tốc độ đô thị hóa trên cả nước, và đặc biệt đối với các TP lớn, động lực của quốc gia.
Thứ ba, tập trung tạo lập tốt hệ thống cơ sở dữ liệu phát triển đô thị toàn quốc làm cơ sở hỗ trợ công tác quản lý, xây dựng cơ chế chính sách kịp thời đối với yêu cầu thực tế.
Thứ tư, tăng cường công tác hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, học tập kinh nghiệm, mở rộng điều kiện và cơ hội thu hút đầu tư hợp lý cho phát triển đô thị theo hướng phát triển đô thị Việt Nam thân thiện môi trường phát triển bền vững...
Lê Hoa (TH)