Miếu Hai Cô nằm ngay sau Văn Miếu – Quốc Tử Giám giờ đã bị dỡ bỏ nhưng tối nào ở đó cũng có người đến đốt vàng hương cúng bái. Vào những ngày rằm, mùng một thì con số này có khi lên đến hàng trăm.
Miếu Hai Cô nằm ngay sau Văn Miếu – Quốc Tử Giám giờ đã bị dỡ bỏ nhưng tối nào ở đó cũng có người đến đốt vàng hương cúng bái. Vào những ngày rằm, mùng một thì con số này có khi lên đến hàng trăm.
19h30 tối ngày rằm tháng 7, phía sau Văn Miếu, đoạn ngã tư Tôn Đức Thắng - Nguyễn Thái Học, xe cộ dựng la liệt trên vỉa hè, chủ yếu là các loại xe hạng sang như SH, Dylan, LX… Dưới lòng đường náo nhiệt bao nhiêu, thì trên vỉa hè ồn ào không kém. Người khấn, người vái lom khom. Khói hương nghi ngút, cũng vàng hương cháy bập bùng, nhưng đây không có chùa chiền hay miếu mạo mà chỉ đơn giản là "một bức tường rào". Người khấn vái ở đây cũng không phải những bà cụ áo nâu mà là các bà, các chị trong những bộ áo váy sang trọng, những cô cậu thanh niên với những trang phục hiện đại. "Phần lớn trong số họ là những người buôn bán, chạy chợ. Số còn lại là học sinh, sinh viên, đôi khi có cả các công chức nhà nước", chị bán vàng hương ở gần đấy cho biết.
Họ có thể đến đây để cầu bất cứ gì, cầu tài, cầu lộc, cầu duyên, cầu danh… nhưng theo một ông bán nước cạnh đó thì "phần nhiều là người đến cầu lô đề". Một chị bán quần áo ở Đội Cấn cũng cho biết: "Từ lâu tôi vẫn nghe nói ở đây cầu lô rất thiêng”.
Đa số những người đến đây không biết nhiều về những “sự tích” liên quan đến nơi này, cũng như sự linh thiêng của nó thế nào. Nhưng theo những người sống gần đó kể lại thì vào khoảng năm 1910, có hai cô gái tuổi chưa trăng tròn lao vào xe điện chạy qua đây tự tử. Sau này có một ông Từ đã đến lập nên chỗ hai cô mất một cái miếu và trồng một cây gạo. Đó chính là cây gạo nổi tiếng linh thiêng ở phía sau Văn Miếu bây giờ. Còn cái miếu, sau này thường được gọi là miếu Hai Cô.
Người ở tứ phương đến đây khấn vái cả ngày, bát hương bày la liệt, người ta còn đẽo cả vỏ cây để cắm hương vào. Sau này, do thấy việc cúng bái ở đây quá lộn xộn và cũng vì mục đích mở rộng tuyến đường, chính quyền mới cho đốn cây gạo và phá miếu thờ. Khi cây gạo bị chặt đi chỉ còn cái gốc thì người ta lại đến lập một hương án ngay trên gốc để tiếp tục thờ cúng, khấn vái. Đến nay, người ta đã đánh nốt cả gốc cây đi, xây tường rào bao quanh thì mỗi đêm vẫn có hàng chục lượt người đến thắp hương khấn vái, từ 7-8 h tối đến 1-2 h đêm. Vào ngày rằm mùng một thậm chí có cả hàng trăm lượt người.
Nhiều người rỉ tai nhau rằng miếu này linh thiêng lắm, một đồn mười, mười đồn trăm, chẳng ai mắt thấy tai nghe về những sự linh thiêng cả. Nhưng người ta vẫn cứ tìm đến đây khấn vái. “Hai Cô là cô hồn, nương nhờ vào cây gạo, hai cô chết trẻ nên rất thiêng, ai mà đến thắp hương, an ủi hai cô thì sẽ được hai cô phù hộ”, một bà chuyên làm việc khấn thuê ở đây cho biết. Còn theo một ông bán nước ở gần đấy thì nói: “Còn phải hợp người nữa, không phải ai cũng được phù hộ. Còn nếu ai hợp, cầu mà được thì phải đến cảm ơn hai cô, nếu không thì chẳng mấy chốc lại lụn bại”.
Những người đến cầu khấn ở đây thường mua một bộ gồm: vàng hương, tiền giấy và vòng vàng kim xuyến để hoá. Giá mỗi bộ như vậy dao động khoảng từ 20.000 – 50.000 nếu ai muốn mua thêm mũ áo thì phải thêm 45.000 nữa. Theo chị bán hàng thì: “Nhiều hay ít là tuỳ mình, quan trọng là phải thành tâm”.
Một người dân sống lâu năm ở đây thì cho rằng: “Thực ra người ta nói chỗ này thiêng là vì thứ nhất nó gần Văn Miếu, vốn cũng là nơi linh thiêng rồi. Thứ hai nó có một cây gạo cổ thụ, mà các cụ ta thường nói "thần cây đa, ma cây gạo" nên người ta càng cho là huyền bí. Còn một điều thứ ba nữa mà chỉ những người sống ở đây lâu năm mới biết đó là ngày xưa ở chỗ này có một cái trạm xe điện nên nhiều người bị chết khi nhảy xe ở đây”.
Đa số người dân xung quanh cũng không cho rằng việc khấn vái ở đây có gì xấu, đó chỉ là một nhu cầu tâm linh bình thường mà người Việt Nam thì ai cũng có. Một bạn trẻ cho biết: “Tôi không phản đối chuyện khấn vái, nhưng như thế này thì mất mỹ quan đô thị lắm”. Đó cũng là ý kiến của anh công an làm nhiệm vụ canh gác đại sứ quán Israrel gần đấy.
Ông Nguyễn Bá Hà, công an phường Điện Biên, cho biết: “Chúng tôi cũng biết hiện tượng này từ lâu, nhưng mà giải quyết rất khó, vì cứ có xe cảnh sát ra thì họ đi, nhưng khi xe cảnh sát về là họ lại kéo đến. Xử lý bằng pháp luật cũng không thể được vì nói chung họ cũng không tụ tập gây rối gì”.
Giáo sư về hưu Trịnh Bỉnh Di ở phố Tôn Đức Thắng thì cho hay: “Việc người ta thờ cúng không có gì là sai trái, đấy là nhu cầu tâm linh của con người không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Khi tôi đến Nhật Bản thì thấy hầu như nhà nào cũng có một cái miếu thờ. Nhưng cứ để lộn xộn thế này thì cũng không ổn, nếu có thể theo tôi chính quyền nên xem xét việc dựng hẳn một cái miếu ở phần đất trống phía sau này cho người dân đến thờ cúng”.
Đ.K.