"Xe buýt vẫn là trụ cột giao thông của Hà Nội trong
vòng từ 10 năm đến 20 năm nữa" - chuyên gia Tagaki Michimasa của Cơ quan
Hợp tác phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) nhận định.
>"Dị nhân" muốn bán giải pháp chống ùn tắc giao thông 100 tỷ
"Xe buýt vẫn là trụ cột giao thông của Hà Nội trong vòng từ 10 năm đến 20 năm nữa" - chuyên gia Tagaki Michimasa của Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) nhận định.
JICA hiến kế chống ùn tắc tại Hà Nội
Tại cuộc họp báo sáng 11.11 tại Hà Nội, JICA cũng đã giới thiệu đề án nhằm cải thiện năng lực quản lý vận tải công cộng cho các cơ quan có liên quan trực thuộc UBND TP. Hà Nội thông qua các hoạt động thí điểm để tăng cường giao thông công cộng bằng xe buýt.
Ngoài ra, JICA cũng đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo cảnh sát giao thông ở Việt Nam. Trong đó, JICA đặc biệt chú trọng đến 4 nội dung, gồm: Tăng cường năng lực về quy hoạch và xây dựng chính sách giao thông công cộng; Thí điểm nâng cao năng lực xây dựng chính sách ưu tiên xe buýt và phát triển hạ tầng; Tăng cường năng lực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phương tiện giao thông công cộng; Thí điểm và điều hành dịch vụ xe buýt, nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt…
Ông Kubo Yoshimoto - chuyên viên của JICA cho rằng, tình trạng và chất lượng giao thông ở Hà Nội hiện nay giống Nhật Bản thời những năm 60, 70. Trong đó, hai vấn đề nổi lên cần phải giải quyết là an toàn giao thông và giảm ùn tắc giao thông.
Theo đánh giá của ông Tagaki - chuyên gia trưởng, thay đổi thói quen đi xe buýt là một điều khá khó khăn đối với người dân ở các thành phố lớn. Để làm được điều đó, cần phải giảm ưu đãi và sự thuận tiện của các phương tiện cá nhân.
Cùng với điều đó là tăng ưu đãi và mức độ tiện lợi của phương tiện công cộng bằng cách tăng chất lượng dịch vụ của xe buýt, cũng như đảm bảo an ninh trên những tuyến xe này.
Ngoài ra, theo JICA, phải áp phí cao đối với các phương tiện cá nhân, như phí đỗ xe phải được tính bằng giờ và sử dụng chiến lược tâm lý như thông tin, tuyên truyền đến người dân để họ nhận ra được tầm quan trọng và sự tiện lợi của phương tiện công cộng, qua đó thay đổi hành vi và thói quen sử dụng phương tiện giao thông.
Cuộc sống người Hà Nội sẽ được… lập trình?
Đánh giá về đề án giảm xe máy, xe cá nhân và đổi giờ làm của Bộ Giao thông - Vận tải Việt Nam, đó là một biện pháp tốt, tuy nhiên, để xây dựng hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt phù hợp với những đề xuất này, phải mất nhiều thời gian, có thể là 10 năm, 20 năm, 30 năm và hơn thế. Theo ông Tagaki, tập trung giai đoạn hiện nay để giảm ách tắc giao thông không còn cách nào khác là thay đổi hành vi tham gia giao thông của người dân.
Trước những vấn đề đặt ra rằng, chuyến đi của người Việt thường là "đa mục đích" như buổi sáng đi làm thường kết hợp đưa con đi học, đi chợ,… thì việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng liệu có phù hợp hay không?
Ông Tagaki cho biết, những tập quán này cũng từng có ở Nhật Bản. Lúc đó, Nhật Bản đã xây dựng những giải pháp làm thay đổi hành vi ví như phụ huynh không cần phải đưa con cái đến trường, thay vào đó, học sinh sẽ di chuyển bằng chính xe đưa đón của nhà trường.
Ngoài ra, ở Nhật Bản cũng quy định mốc thời gian lưu thông ngoài đường, theo đó, mốc "thời gian gốc" là từ 10 giờ sáng đến 16 giờ chiều, tùy từng cơ quan có thể điều chỉnh giờ làm sớm hoặc muộn hơn 2 giờ so với mốc gốc.
Ông Tagaki nhận định, mặc dù tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay ở Hà Nội chưa đến mức trầm trọng như ở Thái Lan, nhưng nếu giảm từ 10 đến 20% phương tiện giao thông cá nhân, thì xe buýt mới hoạt động được vào giờ cao điểm. Cũng theo ông Tagaki, việc hạn chế xe máy, xe cá nhân chỉ nên thực hiện vào giờ cao điểm, không nên hạn chế cả ngày và kế hoạch dãn dân là biện pháp dài hạn để giúp giải quyết triệt để vấn đề giao thông ở Hà Nội.
(Theo Dân Việt)