Nếu xét về quy mô phát triển kinh tế, Đà Nẵng chưa thể sánh kịp Hà Nội, TP.HCM, nhưng dưới góc nhìn của nhà đầu tư, Đà Nẵng đã thể hiện sự phát triển vượt bậc về công tác quy hoạch, cũng như phát triển hạ tầng.
Nếu xét về quy mô phát triển kinh tế, Đà Nẵng chưa thể sánh kịp Hà Nội, TP.HCM, nhưng dưới góc nhìn của nhà đầu tư, Đà Nẵng đã thể hiện sự phát triển vượt bậc về công tác quy hoạch, cũng như phát triển hạ tầng.
Đà Nẵng đang sở hữu hệ thống cơ sở hạ tầng khá đồng bộ, giao thông đường bộ, cảng biển và sân bay đã và đang được đầu tư mạnh mẽ, tạo lực hút cần thiết phát triển kinh tế và thu hút đầu tư.
Ngay từ khi chính thức trở thành thành phố trực thuộc trung ương, chính quyền TP. Đà Nẵng đã vạch ra chiến lược phát triển kinh tế dựa trên nguyên tắc “hạ tầng đi trước” để tạo bước ngoặt phát triển kinh tế phù hợp với tiềm năng của địa phương. Chính sách “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã tạo nên sức mạnh tổng hợp cho Đà Nẵng, với sự ủng hộ tối đa từ chính người dân Thành phố trong công tác nhường đất đổi lấy hạ tầng đã mang lại những thành công vượt bật cho Đà Nẵng trong công tác chỉnh trang đô thị, tạo nên diện mạo mới cho thành phố sông Hàn.
Bên cạnh đó, lợi thế biển đã mang lại cho Đà Nẵng một thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam. Việc đầu tư tuyến đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc (vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng), cũng như triển khai tuyến đường dẫn ra bán đảo Sơn Trà (vốn đầu tư 30 tỷ đồng)…, đã tạo nên điểm nhấn quan trọng, tạo cú huých lớn cho dòng vốn đầu tư hạ tầng du lịch trong và ngoài nước đổ về Đà Nẵng.
Du lịch và bài toán hậu cần cho du lịch đã tiếp sức cho Đà Nẵng bằng những quyết định táo bạo thông qua việc đầu tư những chiếc cầu ấn tượng bắc qua sông Hàn. Nhằm hỗ trợ du lịch phát triển, kích hoạt tiềm năng du lịch biển của Đà Nẵng, Thành phố đã và đang đầu tư 6 chiếc cầu bắc qua sông Hàn, với mật độ bố trí đều trong phạm vi chưa đến 3 km.
Cầu Thuận Phước, một trong những chiếc cầu dây văng dài nhất Việt Nam (vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng) đã đưa vào sử dụng được đánh giá “miếng ghép” cuối cùng cho sự liên kết phát triển du lịch, không chỉ riêng Đà Nẵng, mà còn cả khu vực. Không những thế, nhiều dự án đầu tư thuộc vành đai tuyến đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc, cũng như phía Tây cầu Thuận Phước được nâng tầm cả về giá trị dự án, lẫn hiệu quả kinh doanh sau này.
Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng nhận định, mặc dù Đà Nẵng không có lợi thế phát triển du lịch về tính truyền thống, nhưng nhà đầu tư vẫn lựa chọn Đà Nẵng. Chỉ riêng con sông Hàn thơ mộng, UBND Thành phố đang đầu tư xây dựng đồng thời 2 chiếc cầu mới (cầu Rồng, vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng và cầu Trần Thị Lý, vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng), tạo lợi thế cho Đà Nẵng trở thành trung điểm của những vùng du lịch lớn như Huế, Hội An.
Một lợi thế khác của Đà Nẵng chính là điểm cuối của tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), là cửa ngõ quan trọng cho các địa phương, các nước trong khu vực thuộc tuyến EWEC hướng ra thị trường bên ngoài. Lợi thế đó đặt ra cho Đà Nẵng một chiến lược phát triển mang tính “đón đầu”, thông qua việc đầu tư nâng cấp cảng Tiên Sa từ công suất 5,4 triệu tấn/năm lên 9,6-11,9 triệu tấn/năm vào năm 2020. Ngoài ra, Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng cảng nước sâu Liên Chiểu, có thể tiếp nhận tàu 50.000 DWT, liên kết với cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế) hình thành cụm thương cảng quy mô lớn nhất miền Trung để khai thác tuyến xuyên Á theo Quốc lộ 9.
Thành công của Đà Nẵng gắn liền với sự đồng thuận của người dân với chính sách phát triển kinh tế của chính quyền. Để có một diện mạo mới như ngày hôm nay, ngoài lợi thế là đô thị loại 1, thành phố trực thuộc trung ương, điều quan trọng nhất chính là chính sách đổi đất lấy hạ tầng trong giai đoạn đầu của Đà Nẵng đã nhận được sự ủng hộ lớn từ chính người dân địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, cũng như nhà đầu tư.
(Theo Đầu Tư)