Gần triệu dân ở TP.Đà Nẵng bắt đầu cảm nhận nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm mặn, dù mới bước vào đầu hè.
Gần triệu dân ở TP.Đà Nẵng bắt đầu cảm nhận nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm mặn, dù mới bước vào đầu hè.
Lãnh đạo Công ty cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết, do nắng nóng thất thường và tăng cao đột ngột trong mấy ngày qua, khiến nước trên sông Cẩm Lệ, sông Yên bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Độ mặn đo được tại khu vực cấp nước ở nhà máy nước cao gần 15 lần so với tiêu chuẩn cho phép.
Ngoài ra, lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về cũng quá thấp, lại đỏ ngầu khiến các họng thu nước tại nhà máy này phải ngưng hoạt động. Để khắc phục, Dawaco đã đưa 3 máy đào túc trực ngày, đêm tại khu vực cửa thu nước nhằm làm mọi cách đưa lượng nước nhiều nhất vào bể chứa.
Dù vậy, theo ghi nhận của PV vào ngày 5/5, hồ sơ lắng này cũng đang ở mức rất thấp, nước đỏ quạch.
Lỗi do thủy điện
Trong khi đó, lý giải tình trạng nước nhiễm mặn mới đầu tháng 5 đã xâm nhập sâu vào các con sông ở Đà Nẵng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước cung cấp cho gần triệu dân TP, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT khẳng định, đó chính là do các thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia. Đặc biệt, theo ông Thắng, thủy điện Đắk Mi 4 (nằm ở H.Phước Sơn, Quảng Nam) không chịu xả nước về dòng Vu Gia theo như yêu cầu mà Thủ tướng đã đề ra là nguyên nhân sâu xa khiến thiếu hụt nước ở hạ nguồn, dẫn đến tình trạng nước mặn sớm xâm nhập. Cụ thể, mỗi ngày, thủy điện Đắk Mi 4 phải xả 25 m3/giây, thế nhưng, hiện tại đơn vị quản lý thủy điện này không hề xả một giọt nào.
Những ngày qua, nhiều khu dân cư ở quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Cẩm Lệ, Thanh Khê, Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng) nước chảy yếu, nhất là vào giữa trưa, khi mà cái nóng hầm hập. Nhiều gia đình phải mở vòi hứng nước từ sáng sớm mới đủ dùng cho các nhu cầu thiết yếu trong ngày. Nước chảy yếu lại có mùi lờ lợ khó chịu khiến người dân hoang mang.
Ông Thắng cho hay, sắp tới đây, khi người dân Đà Nẵng, Quảng Nam bước vào đổ ải vụ hè thu, lượng nước sử dụng cho nông nghiệp sẽ tăng rất lớn. Nếu các nhà máy thủy điện, trong đó có Đắk Mi 4 không thực hiện xả nước theo quy định thì nguy cơ vùng hạ lưu sông Vu Gia sẽ bị nhiễm mặn rất nặng. Do vậy, nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho dân Đà Nẵng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Yếu tố sống còn của cư dân
Theo UBND TP.Đà Nẵng, thượng nguồn sông Vu Gia với 3 nhánh chính là sông Boung, sông Côn và sông Cái, có 7 nhà máy thủy điện bậc thang, gồm: sông Boung 2, sông Boung 4, sông Boung 5, A Vương, Đắk Mi 1, Đắk Mi 4 và sông Côn 2. Sông Cái hay còn gọi là Đắk Mi cung cấp 50% lượng nước về hạ lưu, là nhánh sông cực kỳ quan trọng, có yếu tố sống còn của cư dân hạ lưu dòng Vu Gia.
(Theo Thanhnien)