Năm 2010 là năm “bội thu” về xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn thành phố.
Năm 2010 là năm “bội thu” về xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn thành phố.
Từ đầu năm đến nay, ngành giao thông đã hoàn thành đưa vào sử dụng 40 công trình, chuẩn bị và khởi công 25 công trình mới, đồng thời tiếp tục lập hồ sơ 26 công trình khác cho năm 2011. Không những vậy, rất nhiều công trình giao thông vừa hoàn thành đã chính thức khớp nối các công trình đã hoàn thành trước đây, tạo nên một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh phủ kín khắp thành phố.
Nối nhịp đôi bờ
Ngay từ đầu năm 2010, những người dân của xã miền núi Hòa Bắc đã có được niềm vui lớn khi chiếc cầu nối liền hai thôn Tà Lang – Giàn Bí được đưa vào sử dụng, chấm dứt cảnh hàng trăm hộ dân người dân tộc Cơtu cứ mỗi khi có lũ lụt là bị cô lập với phần còn lại của thành phố. Theo ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải thành phố, về quy mô, cầu Tà Lang - Giàn Bí nhỏ nhất so với những chiếc cầu đã được xây dựng, thế nhưng lại có một ý nghĩa vô cùng lớn trong việc chính thức “hòa mạng” giao thông ở một thôn xa nhất của thành phố với khu vực trung tâm thành phố.
Cùng có niềm vui như vậy là bà con ở thôn Trường Định, xã Hòa Liên, khi chiếc cầu Trường Định được đưa vào sử dụng những ngày cuối năm. Với chiếc cầu này, 220 hộ dân của thôn với gần một ngàn nhân khẩu sẽ chấm dứt cảnh thót tim qua lại sông Cu Đê mùa nước lụt. Và cũng chấm dứt cảnh vất vả men theo sườn núi đến thôn Thủy Tú để qua cầu Thủy Tú, từ đó mới đi đến các trục giao thông khác của thành phố.
Đặc biệt trong những ngày cả nước đón chào Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, thành phố Đà Nẵng cũng đã khánh thành cầu Hòa Xuân-công trình được gắn biển chào mừng đại lễ. Cầu Hòa Xuân không đơn thuần là nhịp cầu nối đôi bờ sông Cẩm Lệ, mà còn là vạch nối liền trục giao thông huyết mạch từ trung tâm thành phố với Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, Làng Đại học Đà Nẵng, góp phần tạo nên một cú hích quan trọng trong việc phát triển đô thị và kinh tế - xã hội về phía Nam của thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, một số cầu nhỏ nhưng có ý nghĩa gắn kết, tạo nên mạch giao thông thông suốt cũng đã hoàn thành như cầu làng Hòa Phú, cầu trên tuyến trục 1 Tây Bắc…
“Nối mạng” những con đường
Năm 2010 đã đánh dấu cột mốc về số lượng kỷ lục với gần 30 con đường được làm mới và nâng cấp, sửa chữa, tạo nên mạng lưới giao thông khép kín từ khu vực trung tâm ra đến ngoai ô thành phố. Với công trình nâng cấp, sửa chữa đường Lê Văn Hiến-Trần Đại Nghĩa, không chỉ làm thay đổi diện mạo đô thị cho quận Ngũ Hành Sơn, mà còn tạo nên trục đường giao thông từ Quảng Nam đến cảng Tiên Sa Đà Nẵng. Đặc biệt là công trình đường Nguyễn Văn Linh (nối dài), cùng với việc cầu Rồng đang được khởi công xây dựng (dự kiến hoàn thành cuối năm 2012), đã tạo nên một trục đường “xương sống” nối liền quận Hải Châu với hai quận bên kia sông Hàn là Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của thành phố về phía Đông. Trong khi đó, đường Bạch Đằng (giai đoạn 2) không chỉ mở rộng không gian của khu vực trung tâm thành phố về phía cửa biển, mà còn tạo nên vạch nối giữa khu vực trung tâm thành phố với khu đô thị mới Đa Phước trên vịnh Đà Nẵng.
Trong năm qua cũng đánh dấu nỗ lực của ngành giao thông trong việc nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến cũ xuống cấp, đường nhỏ, đường đất, đường nông thôn để chính thức khớp nối vào mạng lưới giao thông đường bộ của thành phố. Đó là tuyến đường từ thôn Nam Yên đến cơ sở 2 của Trung tâm Giáo dục-dạy nghề 05-06, đường Nguyễn Tri Phương (nối dài) nhánh ra quốc lộ 1A, đường trục 2 Tây Bắc… Ở khu vực trung tâm thành phố, nhiều tuyến đường “cổ” cũng đã được nâng cấp trở nên khang trang, sạch đẹp, bảo đảm giao thông thuận lợi như đường Lý Thường Kiệt, đường Hoàng Diệu (nối dài), đường Phan Thanh…
Đây chính là món quà mà những người công tác trong ngành Giao thông-Vận tải thành phố đón chào năm mới với hy vọng việc giao thông thông suốt sẽ tạo cú hích để thành phố phát triển toàn diện về kinh tế lẫn văn hóa.
(Theo báo Đà Nẵng)