Dự án xây dựng cao tốc lớn của Việt Nam: Nội Bài – Lào Cai, TPHCM – Long Thành - Dầu Giây…do các nhà thầu ngoại đảm nhận đang bị chậm tiến độ hàng loạt.
3 dự án xây dựng cao tốc lớn của Việt Nam: Nội Bài – Lào Cai, TPHCM – Long Thành - Dầu Giây và Hà Nội – Hải Phòng…do các nhà thầu ngoại đảm nhận tới 90% khối lượng công việc nhưng cũng đang bị chậm tiến độ hàng loạt.
Từ chất lượng đến tiến độ.. “rùa”
Ông Dương Viết Roãn, Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, hiện Việt Nam đang triển khai 3 dự án đường cao tốc trọng điểm có sự tham gia của các nhà thầu nước ngoài: cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và dự án cao tốc TPHCM - Long Thành Dầu Giây.
Tại 3 dự án này, các nhà thầu nước ngoài trúng thầu và thực hiện chiếm gần 90% khối lượng xây lắp. “Mặc dù, Bộ GTVT đã kiểm tra, chỉ đạo nhưng hiện các dự án trên vẫn đang chậm tiến độ, ảnh hưởng đến việc hoàn thành theo kế hoạch đã đề ra”, ông Roãn nói.
Một trong những dự án chậm nhất hiện nay là cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Khởi công từ tháng 9/2009, dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai có chiều dài 244km, với tổng mức đầu tư là 19.984 tỷ (vốn ODA do VEC vay ADB và vốn đối ứng do VEC phát hành trái phiếu), được chia thành 8 gói thầu xây lắp. Trong số này, các nhà thầu Hàn Quốc đã trúng thầu 6 gói, nhà thầu Trung Quốc trúng một gói, còn lại là nhà thầu nội.
Tuy khởi công từ cách đây 3 năm, nhưng đến nay giá trị sản lượng xây lắp của dự án do các nhà thầu nước ngoài thực hiện mới đạt 26,9% giá trị giải ngân (kể cả tạm ứng) đạt 28,9%. Cụ thể, gói thầu A1 đạt 42,9% chậm 46,11%; gói thầu A2 đạt 26,5% chậm 28,35%; gói thầu A3 đạt 18,9% chậm 48,59%....
Dự án xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (được chia làm hai dự án thành phần) có tổng mức đầu tư 15.010 tỷ đồng. Thành phần 1 không có gì đáng nói vì đang trong giai đoạn tổ chức lựa chọn nhà thầu, còn Dự án thành phần 2 từ Vành - Đai 2 - Long Thành - Dầu Giây với 7 gói thầu xây lắp lại đáng chú ý dù được tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế theo hướng dẫn của ADB và JICA. Dự án gồm có nhà thầu Hàn Quốc trúng 3 gói thầu, nhà thầu Trung Quốc trúng gói thầu số 1A.
Được khởi công từ tháng 6/2010, nhưng từ khi thực hiện đến nay, giá trị sản lượng do các Nhà thầu nước ngoài thực hiện mới đạt 50,4%, chậm 3,32% so với tiến độ tổng thể của dự án.
Tương tự, tại Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng có tới 9/10 gói thầu xây lắp do nhà thầu nước ngoài đảm nhiệm gồm nhà thầu Hàn Quốc trúng 5 gói, nhà thầu Trung Quốc trúng 4 gói.
Tuy nhiên, theo đại diện Cục quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, từ khởi công đến nay, giá trị sản lượng do các nhà thầu nước ngoài thực hiện không đạt yêu cầu về tiến độ thi công theo đúng hợp đồng xây lắp đã ký kết. Các gói thầu cũng đều chậm ít nhất từ 13% cho đến nhiều nhất hơn 55%.
Chậm tiến độ nhà thầu đổ lỗi cho nhau
Theo ông Mai Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), nhà thầu thi công yếu kém về năng lực, phương tiện huy động ra hiện trường không đầy đủ theo yêu cầu, trong đó, yếu kém nhất là nhà thầu Posco và Keangnam.
“Máy móc, thiết bị cũng như nguyên vật liệu chỉ đáp ứng được 50%. Lực lượng quản lý hiện trường cũng thiếu. Gói thầu A1 và A3 đã phải thay giám đốc dự án. VEC đã họp với các nhà thầu tháo gỡ nhiều lần, nhưng thời gian đã gần hết mà khối lượng công việc còn nhiều”, ông Tuấn Anh phản ánh.
Đáng lưu ý, gói thầu A5 hiện mới đạt 5% khối lượng công việc, tại gói thầu này đã thay đến 3 lần giám đốc dự án. Do vậy, ông Tuấn Anh cho rằng, sẽ kiến nghị Bộ GTVT cùng nhà tài trợ thay thế nhà thầu Keangnam do sự yếu kém trong năng lực.
Một thực tế khiến tiến độ thi công chậm là do năng lực tài chính của các nhà thầu tại ba dự án trên đều không như công bố. Theo ông Tuấn Anh, khi đấu thầu, tất cả các nhà thầu đều có cam kết về tài chính có thể đảm bảo thực hiện dự án. Ví dụ như nhà thầu Posco đã cam kết, có 400 triệu USD để thực hiện các gói thầu trong dự án, nhưng thực tế thì không phải vậy. Các nhà thầu đều thiếu vốn, tài chính hoàn toàn phụ thuộc vào tiền tạm ứng của chủ đầu tư, hoặc chiếm dụng vốn của nhà thầu phụ.
Lý giải cho sự chậm trễ của các gói thầu do công ty mình đảm nhiệm, ông Lee Sen Hoon, Giám đốc công ty Posco E&C cho biết, có sự chậm trễ trên là do việc giải phóng mặt bằng chậm, cộng với thời tiết Việt Nam thất thường, mưa gió nhiều, khó thi công.
Tuy nhiên, lý giải này của ông Lee Sen Hoon đã không nhận được sự đồng tình của Tư vấn trưởng Frahcisco Favier de Bonifaz - Tư vấn giám sát Gentisa - Tây Ban Nha. Ông Frahcisco cho rằng, có sự chậm trễ ở các gói thầu do nhà thầu Posco và Keangnam thực hiện là do, họ ký hợp đồng với quá nhiều nhà thầu phụ, như Doosan ký với 20 nhà thầu phụ, trong khi Công ty cầu đường Quảng Tây họ chỉ ký với 3 nhà thầu phụ.
Trong khi đó, phần lớn thiết bị máy móc không được vận hành. Ông Frahcisco nói: “Trong một tuần, mà một nhà thầu chỉ đổ được 70m bê tông, nhà thầu thi công như vậy sẽ bị thay ngay chỉ huy công trường. Không thể chấp nhận được ở bất kỳ đất nước nào một sự chậm trễ như vậy”.
Việc đổ lỗi cho thời tiết của các nhà thầu theo tư vấn trưởng Fracisco là không đúng. Bởi khi tham gia đấu thầu, các nhà thầu phải nghiên cứu và cân nhắc về điều kiện khí hậu của Việt Nam. Còn về mặt bằng, cũng không phải là nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ chậm. Có những điểm mặt bằng sạch, nhưng nhà thầu vẫn không thi công.
“Nhiều gói thầu đã có việc, có mặt bằng nhưng các nhà thầu không chịu làm, cứ dựa vào mặt bằng như một cái cớ để khiếu nại cho sự chậm của mình là không thỏa đáng”. Ông Frahcisco chia sẻ.
(Theo VnMedia)