Với việc mọc lên nhiều thị xã, thị trấn, phát triển tập trung vào những ngành mũi nhọn, Đăk Lăk sẽ trở thành trung tâm của khu vực "một cực phát triển" trong tam giác Việt Nam - Lào - Campuchia, với Buôn Ma Thuột là đô thị lớn nhất vùng.
Với việc mọc lên nhiều thị xã, thị trấn, phát triển tập trung vào những ngành mũi nhọn, Đăk Lăk sẽ trở thành trung tâm của khu vực "một cực phát triển" trong tam giác Việt Nam - Lào - Campuchia, với Buôn Ma Thuột là đô thị lớn nhất vùng.
Thủ tướng vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đăk Lăk thời kỳ đến năm 2020 trên quan điểm chủ đạo là xây dựng tỉnh này thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Tây Nguyên.
Việc phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Đăk Lăk dựa trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, trước hết là về con người, về tài nguyên đất, rừng, thủy năng và các khoáng sản để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Quy hoạch vạch ra phương hướng phát triển cụ thể cho các ngành và lĩnh vực. Đối với ngành trồng trọt, tỉnh tập trung vào các cây công nghiệp dài ngày có giá trị hàng hóa xuất khẩu như cà phê, cao su, điều, ca cao, hồ tiêu.... Tập trung đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế về tài nguyên và nguồn nguyên liệu tại chỗ như thủy điện, chế biến nông, lâm sản.
Dự kiến trong thời kỳ từ nay đến năm 2020, ngoài thành phố Buôn Ma Thuột, sẽ hình thành một số đô thị mới trên cơ sở nâng cấp các thị trấn thành thị xã, đó là các thị xã Ea Kar, Buôn Hồ, Phước An và Buôn Trấp. Ngoài ra, sẽ hình thành thêm một số thị trấn và thị tứ với chức năng là những trung tâm của từng tiểu vùng.
Công tác phát triển kinh tế - xã hội được chia thành 3 tiểu vùng lãnh thổ. Tiểu vùng I bao gồm thành phố Buôn Ma Thuột và các huyện Cư M gar, Buôn Đôn, KrôngPăk, Krông Ana và Lăk. Tiểu vùng II bao gồm các huyện Krông Buk, Krông Năng, Ea Súp và Ea H Leo. Tiểu vùng III bào gồm các huyện Ea Kar, M Đrăk, Krông Bông.
(Theo website Chính phủ)