Mặc dù là căn hộ đắt nhất Hà Nội khi ra đời, nhưng người dân luôn bức xúc bởi nhiều tiện ích tối thiểu của tòa nhà rất kém
Tại tòa nhà Pacific - 83A Lý Thường Kiệt, Hà Nội, các hộ dân đã chi tiền chi khoản tiền khủng để được ở trong một căn hộ xịn. Tuy nhiên, mọi hoạt động trên phần diện tích chung đều do chủ đầu tư quyết định: Từ cơi nới tầng hầm cho thuê làm phòng khám, cho tới cơi nới sân thượng và diện tích sân chung cho thuê mở quán bar, café…
Những chuyện cười ra nước mắt
Theo ban quản lý tòa nhà, Pacific Place là một toà nhà phức hợp bao gồm 144 căn hộ cho thuê dài hạn và 35 căn hộ dịch vụ. Mặc dù là căn hộ đắt nhất Hà Nội khi ra đời, nhưng người dân luôn bức xúc bởi nhiều tiện ích tối thiểu của tòa nhà rất kém: Phải trả cả tiền hành lang nhưng chỗ đổ rác không có, hàng ngày theo đúng giờ quy định, các hộ phải xách túi rác ra chờ người thu gom.
Toàn bộ các căn hộ quay ra khoảng sân chung của tòa nhà đều phải đóng kín cửa 24/24 từ nhiều năm nay, suốt từ khi vào ở đến nay. Lý do, tiếng ồn từ dàn điều hòa ù ù như một nhà máy sát hoạt động hết công suất suốt ngày đêm.
Tại tầng hầm của tòa nhà còn bị chủ đầu tư cho thuê làm phòng khám tư hoạt động. Điều này khiến cho các cư dân tại đây lo ngại có thể đã chịu ảnh hưởng bởi tia X gây nguy hại cho sức khỏe từ phòng khám "mọc" ngay trong tòa nhà này.
Sự bức xúc của cư dân ở đây lên tới cao độ khi chủ đầu tư quyết định "cơi nới", biến một phần sân vườn chung ở tầng trệt tòa nhà để xây lắp dàn thang máy khủng chạy suốt từ tầng một đến tầng 13. Vì thế, sáng 21/9 người dân tập trung trước cửa tòa nhà phản đối chủ đầu tư. Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã phải ra quyết định tạm dừng việc thi công thang máy, để kiểm tra lại hồ sơ thiết kế có thi công đúng giấy phép không?
Theo người dân, cầu thang máy này nhằm mục đích giảm tải cho 4 thang máy có sẵn theo đúng thiết kế ban đầu. Người dân đã phản đối việc làm này bởi hai lý do: Thứ nhất, cầu thang máy chiếm tới 60 m2 diện tích mặt sàn, vừa lấn chiếm mất sân chơi chung của cả tòa nhà. Thứ hai, cầu thang máy như khối cao ốc 13 tầng này chỉ xây cách cửa phòng ngủ của người dân chưa đầy 6 m đã che kín cửa các căn hộ bên cạnh.
Tổ dân cư này cũng bức xúc với cách chủ đầu tư nói rằng, cả khối văn phòng của tòa nhà chỉ có 4 cầu thang máy trong khi có lúc cao điểm có tới 2.000 người làm việc. Tòa nhà được thiết kế hiện đại, theo chuẩn châu Âu và do hãng thiết kế danh tiếng của châu Âu thực hiện. Vì thế, phương án kiến trúc, kỹ thuật đã được tính toán đầy đủ lưu lượng, nhu cầu. Nghi vấn được người dân đặt ra là, việc thang máy quá tải nếu có lcó thể do thiết kế sai hay sử dụng vượt công năng thiết kế?
Chị Thu Hà, một người dân bị "tòa cao ốc thang máy" ảnh hưởng bức xúc: Khi mua, gia đình chị và các hộ dân tầng trên/dưới đã bỏ ra khoản tiền lớn đương nhiên được hiểu là trả cho cả không gian sống xung quanh chứ không chỉ là diện tích căn hộ. "Nếu lúc đó, chiếc thang máy đã nằm chắn ngang cửa phòng ngủ thì ai bỏ khoản tiền lớn ra mua căn hộ này".
Tranh cãi kéo dài
Sau khi Thanh tra Sở Xây dựng ra quyết định tạm dừng việc thi công thang máy, để kiểm tra lại hồ sơ thiết kế có thi công đúng giấy phép không thì người dân mới ngớ người ra: Đúng là chủ đầu tư không hề làm chui, hay cơi nới mà họ quyết định cho phép của Sở Xây dựng Hà Nội một cách đàng hoàng từ ngày 23/4/2013.
Không những vậy, đơn vị quản lý tòa nhà - Ever fortune còn khẳng định: Khu vực hoạt động của nhà hàng Rooftop và phòng khám VietSing là nằm trong khu vực thuộc quyền sử dụng và quản lý của chủ đầu tư.
Trả lời báo chí, đại diện chủ đầu tư cho rằng, các căn hộ tại toà nhà Pacific Place đều được ký dưới dạng cho thuê dài hạn (50 năm). Do vậy, toàn bộ diện tích chung của toà nhà, trừ diện tích riêng của từng căn hộ đều thuộc sự quản lý và sử dụng của chủ đầu tư. Việc mở dịch vụ kinh doanh nhà hàng và phòng khám nằm trong khu vực này không bị giới hạn trong hợp đồng mua bán với dân.
Về vấn đề này, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, về nguyên tắc, đã là nhà thuê thì chủ nhà có toàn quyền quyết định việc xây dựng, sửa chữa... theo quy định của pháp luật về xây dựng và quản lý nhà ở. Tuy nhiên, trong trường hợp này, cần phải làm rõ là chủ đầu tư thu tiền thuê theo định kỳ (tháng, quý, năm...) hay không?. Việc người dân đã phải trả ngay một lần tới 4.000 USD/m2 thực chất là hình thức mua. Việc ký hợp đồng thuê dài hạn 50 năm thực chất chỉ là hình thức hợp thức bởi hợp đồng chủ đầu tư thuê lại của Nhà nước cũng chỉ có 50 năm.
Bên cạnh đó, các chuyên gia xây dựng cũng cho rằng, dù làm gì, chủ đầu tư cũng phải tuân thủ đúng theo quy định của Luật Nhà ở, muốn xây dựng thêm hay lắp đặt thang máy đều phải có sự đồng thuận bằng văn bản của người dân gửi kèm hồ sơ trình cơ quan chức năng.
Liên quan đến quán bar trên tầng 19 tòa nhà đang gây ra nhiều bức xúc cho người dân ở đây, trong đơn kiến nghị, các hộ dân sinh sống tại khu căn hộ cao cấp Pacific cho biết, tầng 19 của tòa nhà này được thiết kế là nơi để các hộ dân sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, không gian này đã bị chủ đầu tư cho thuê kinh doanh quán bar - café Rooftop. Bên cạnh đó, không chỉ có quán bar-café, tầng 19 của chung cư Pacific còn là một khu nhà hàng ẩm thực quy mô. Đây chính là lý do người dân nhiều lần phản ánh cuộc sống bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn từ các cơ sở kinh doanh.
Theo Luật sư Nguyễn Tiến Thủy (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích: Quy định tại Mục b, Điều 2, Chương 1 của Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm Nghị định 103/209/NĐ-CP ngày 6/11/2009 của Chính phủ đã nêu rõ, "nơi tổ chức hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng bao gồm nhà hát, nhà văn hóa, nhà triển lãm, trung tâm văn hóa, câu lạc bộ, cơ sở lưu trú du lịch, nhà khách, nhà nghỉ, nhà hàng ăn uống, giải khát, cửa hàng, cửa hiệu, sân vận động, nhà thi đấu thể thao, quảng trường, phương tiện vận tải hành khách công cộng ... ".
Cũng theo luật sư Thủy, theo Quyết định số 08/2008/QĐ-BXD ngày 28/5/2008 của Bộ Xây dựng về ban hành Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư thì việc "gây tiếng ồn quá mức quy định; làm ảnh hưởng đến trật tự, trị an nhà chung cư" là một trong các hành vi bị nghiêm cấm hàng đầu. Tại khoản 9 Điều 24 của quy chế này còn nói rõ là nghiêm cấm "kinh doanh dịch vụ mà gây tiếng ồn, ô nhiễm môi trường (nhà hàng karaoke, vũ trường, sửa chữa xe máy, ô tô; lò mổ gia súc và các hoạt động dịch vụ gây ô nhiễm khác)".
Theo VEF