Ngày 14-4, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa đã chủ trì cuộc họp giao ban với 24 quận, huyện và các sở, ngành về các vấn đề đô thị trên địa bàn TP tại trụ sở UBND quận Bình Tân.
Lần đầu tiên, TP tổ chức cuộc họp giao ban ngay tại địa phương để trực tiếp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Một thực trạng khiến cho các địa phương, đặc biệt là các quận, huyện vùng ven phải đau đầu chính là loại đất được quy hoạch là đất dân cư xây dựng mới. Hiện nay, các quận, huyện đa phần đều không cho phép chuyển mục đích, tách thửa, cấp phép xây dựng đối với loại đất này.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết huyện có hơn 3.000 ha đất được quy hoạch đất dân cư xây dựng mới. Hiện nay, huyện cũng không dám cho chuyển mục đích, tách thửa, cấp phép xây dựng…
Nhiều khu đất tại huyện Bình Chánh bị gắn mác “đất dân cư xây dựng mới”
nên người dân không được chuyển mục đích, tách thửa, xây dựng nhà ở.
Ảnh: VIỆT HOA
Ông Hồng cho hay pháp luật đất đai không cấm người dân thực hiện các quyền lợi của mình khi dính vào quy hoạch này. “Nhu cầu xây dựng nhà ở của người dân tại huyện Bình Chánh rất cao, nếu luật không cấm thì nên cho người dân được chuyển mục đích để xây dựng nhà ở” - ông Hồng kiến nghị. Đồng thời cho biết TP cần có hướng dẫn chung cho các địa phương thực hiện.
Tương tự, ông Lê Văn Thinh, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cũng kiến nghị: “Đối với các dự án mà sau ba năm không kêu gọi được nhà đầu tư thì xem như đất xây dựng mới này sẽ là đất dân cư hiện hữu để người dân được xây dựng nhà ở”.
Đồng tình, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc (QH-KT) Nguyễn Thanh Toàn giải thích đất dân cư xây dựng mới trong đó có đất ở và nhiều chức năng khác như đất công trình công cộng, giao thông, giáo dục… Quy hoạch chức năng là đất dân cư xây dựng mới để kêu gọi chủ đầu tư. “Trong khi chưa có nhà đầu tư thì không cớ gì phải gây khó khăn cho người dân cả vì đất dân cư xây dựng mới bản chất vẫn là đất dân cư. Do đó, quyền lợi hợp pháp của người dân phải được đảm bảo, đến khi thực hiện dự án thì nhà đầu tư bồi thường cho dân theo quy định” - ông Toàn khẳng định.
Phó giám đốc Sở QH-KT cũng cho biết hiện các quận, huyện đã rà soát xong quy hoạch để điều chỉnh lại một số quy hoạch không còn phù hợp nhưng đến giờ vẫn còn rất nhiều địa phương chưa gửi hồ sơ lên sở này để trình TP phê duyệt.
Ông Lê Văn Khoa yều cầu các quận, huyện sớm gửi hồ sơ lên Sở QKHT để TP nhanh chóng xem xét và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch để không hạn chế quyền lợi của người dân. “Điều chỉnh quy hoạch là dựa trên thực tế cũng như nguyện vọng của người dân, hiện nay 23/24 quận, huyện đã rà soát xong, chỉ còn một động tác nữa là gửi hồ sơ lên mà các địa phương không làm để TP phê duyệt?”, ông Khoa nhắc nhở.
Tại cuộc họp, một số địa phương đã nêu lo ngại về tình trạng một giấy phép xây dựng nhiều căn nhà. Đây cũng là tình trạng phổ biến tại các quận, huyện vùng ven như quận 9, Thủ Đức, Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh…
Ông Võ Thành Khả, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè thông tin, tại địa phương này, có những trường hợp người dân xin chuyển mục đích một lần 2.000m2 đất nông nghiệp sang đất ở. Sau đó chỉ xin một giấy phép xây dựng và xây thành nhiều căn nhà và bán cho nhiều người. Những người mua nhà cũng đứng tên trong sổ đỏ dưới dạng đồng sở hữu. “TP cần xem xét lại quyết định 33 vì quyết định này hiện không giới hạn diện tích được chuyển mục đích sang đất ở. Đồng thời hiện nay luật cũng không quy định đồng sở hữu thì bao nhiêu người là vừa và mỗi người thì được bao nhiêu diện tích. Do đó, khi tình trạng đồng sở hữu tràn lan như hiện nay rất khó cho địa phương trong công tác quản lý”, ông Khả nói.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn cũng nêu thêm một tình huống, có những đầu nậu mua đất của nông dân nhưng không sang tên mà vẫn dùng tên của chủ đất cũ rồi chuyển mục đích và xin phép xây dựng thành nhiều căn nhà sau đó bán qua tay nhiều người. Ông Tuấn cho rằng đây là một biến tướng rất phức tạp trong xây dựng, nếu không xem xét kỹ để kịp thời chấn chỉnh thì dẫn đến nhiều hệ lụy xấu. Không những hạ tầng, chất lượng nhà không đảm bảo mà còn có nguy cơ phá vỡ quy hoạch và gây nhiều hệ lụy về mặt xã hội. “Thứ nhất là không nên cho tách thửa, thứa hai là địa phương khi xem xét cấp phép xây dựng phải xem hồ sơ để ngăn chặn”, ông Tuấn đề xuất.
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa cũng đồng tình và yêu cầu Sở TN&MT nghiên cứu để đưa vào quyết định thay thế quyết định 33/2014 quy định về tách thửa trên địa bàn TP tới đây.
Theo Pháp luật Tp.HCM Online