Việc cấp phép xây dựng cho nhiều huyện thuộc Hà Nội mở rộng còn hạn chế. Các huyện Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mê Linh mới chỉ cấp được 2 đến 3 giấy phép mỗi năm. Nhiều nơi, người dân không có "thói quen" xin cấp phép khi xây dựng.
Việc cấp phép xây dựng cho nhiều huyện thuộc Hà Nội mở rộng còn hạn chế. Các huyện Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mê Linh mới chỉ cấp được 2 đến 3 giấy phép mỗi năm. Nhiều nơi, người dân không có "thói quen" xin cấp phép khi xây dựng.
Đó là kết luận trong hội nghị sơ kết công tác quản lý trật tự xây dựng do Sở Xây dựng Hà Nội công bố chiều ngày 8/1.
Tại địa bàn mới hợp nhất, (Hà Tây cũ), theo công bố của Sở Xây dựng Hà Nội, trong số 361 công trình, dự án, đã phát hiện 173 vi phạm. Sở đã đình chỉ xây dựng buộc tháo dỡ 134 trường hợp, cảnh cáo 20 và phạt tiền 46 công trình.
Một đặc điểm nổi bật là tại các huyện, việc cấp phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng còn hạn chế, một năm cấp khoảng 20-30 giấy phép. Các huyện Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mê Linh mới chỉ cấp được 2 hoặc 3 giấy. Có huyện Phú Xuyên chưa cấp một giấy phép xây dựng nào.
Theo một đại diện của Hà Đông, người dân chưa có thói quen khi xây nhà phải xin cấp phép xây dựng: "Họ cứ xây mà không cần biết phải có giấy phép xây dựng hay không. Chính điều này gây khó khăn, trở ngại cho người quản lý".
Công tác quản lý trật tự xây dựng chỉ chủ yếu thực hiện ở Hà Đông và Sơn Tây. Tại Hà Đông, trong số 341 công trình kiểm tra, có 243 trường hợp được cấp phép xây dựng. 9 công trình sai phép, 31 không phép và 58 trái phép. Còn Sơn Tây, có khoảng 108 trong tổng số 312 công trình đã có phép.
Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, Nguyễn Khắc Thọ, cho biết, hiện Hà Đông, Sơn Tây và huyện Mê Linh đã được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thành lập thanh tra xây dựng. "Như vậy nghĩa là còn tới 12 trong tổng số 29 đơn vị hành chính cấp huyện của Hà Nội chưa có lực lượng thanh tra xây dựng, mặc dù trong đó nhiều huyện đang có tốc độ phát triển, đô thị hóa cao", ông Thọ nhấn mạnh.
Trong khi đó trên địa bàn thành phố Hà Nội khi chưa sáp nhập Hà Tây, tỷ lệ công trình xây dựng có phép năm 2008 chiếm tới 92%, tăng 6% so với năm 2007.
Hoàng Lan