Giãn dân phố cổ là chủ trương lớn của TP Hà Nội, song lại nhận được sự thờ ơ của những người trực tiếp bị tác động.
Giãn dân phố cổ là chủ trương lớn của TP Hà Nội, song lại nhận được sự thờ ơ của những người trực tiếp bị tác động. Chuyển dân đi đâu, chuyển đi rồi thì làm sao để người dân có cuộc sống khá hơn nơi ở cũ đang là một câu hỏi lớn.
Ông chủ quán trà đá trên phố Hàng Buồm tầm đứng tuổi, vận áo may ô, quần đùi đã quen chẳng thèm nhúc nhích, khách vào tự tìm lấy ghế mà ngồi.
Một cốc trà đá ướp nhài thơm phức, hương vị gần như trở thành mặc định của các quán trà đá trên phố, cũng chỉ lấy đi vài giây mất tập trung của ông chủ quán. Thêm một vài giây nữa khi nhận tiền trà của khách. Còn lại toàn bộ thời gian, ông chỉ chăm chăm ngước mắt lên 5 chiếc lồng chim treo ngoài hiên nhà, ngay trên đầu khách bộ hành.
4 con chim vành khuyên và 1 chú chào mào đang nhảy nhót, ra sức hót chiều lòng chủ, bất chấp sự ồn ào của phố xá. Kể cả ngay vỉa hè phía bên kia có nhà quạt chả ngay lề đường, thi thoảng gió đổi chiều đến sặc sụa mùi thịt nướng lẫn với gia vị tẩm ướp quện vào nhau, chim vẫn hót.
Vài khách bộ hành người nước ngoài ngang qua thoáng cười gượng gạo với bộ trang phục quá tự nhiên và cái thế ngồi dạng háng đầu ngẩng cao có một không hai của ông chủ quán… Di dân à? Có nghe nói. Đền bù ư? Chịu, không biết! Mọi nỗ lực bắt chuyện của chúng tôi rốt cuộc chỉ nhận được vài câu trả lời nhát gừng chẳng mấy mặn mà. Thông tin có giá trị nhất chúng tôi thu lượm được qua những lời trao đổi câu được câu mất ấy là: đi lên mấy số nhà nữa, tìm người tên Nhi, tổ trưởng!
Ông Nhi, tổ trưởng dân phố, nhà cũng bán quán nước chè ở số 20 Hàng Buồm. Một sự ngạc nhiên khác lại đến với PV là bởi cả ông Nhi, cả khách khứa nhà ông vốn cũng đều là những người trong khu phố, cũng chẳng biết nhiều về cái dự án di dân mà chính họ đang là đối tượng tác động là bao. "Chẳng thấy phổ biến gì? Chúng tôi cũng chỉ biết láng máng!" - ông Nhi nói. Bà vợ ông Nhi đứng phía sau đế thêm nửa đùa nửa thật: "Đền bù đi, đền bù cho tốt vào, chúng tôi đi ngay!".
Được biết theo thời gian thực hiện dự án do UBND quận Hoàn Kiếm, đơn vị được giao làm chủ đầu tư đề án này, báo cáo với Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi mới đây, thì giai đoạn chuẩn bị đầu tư được tính từ năm 2009 đến 2011. Giai đoạn đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ sẽ diễn ra từ năm 2012 đến 2015. Giai đoạn thực hiện dự án đầu đi là từ năm 2012 đến 2015. Hoàn thành đầu tư xây dựng từng khu nhà ở, bàn giao căn hộ giãn dân giai đoạn 1 làm 3 đợt, đợt đầu tiên vào quý IV năm 2013, đợt thứ hai vào quý III năm 2014 và đợt cuối vào quý III của năm 2015. Như vậy là cho đến thời điểm này, khi mà quỹ thời gian đã đi vào đến 3 giai đoạn của dự án mà rất nhiều người dân ở ngay trong khu phố cổ vẫn còn quá mơ hồ?
Ông Nhi bảo, thực ra thì, ngay trong một số nhà, cũng có người nọ, người kia. Nhà ở mặt đường, có chỗ kinh doanh mà bảo họ đi bây giờ hơi khó. Còn như nhà ông, diện tích chỉ hơn 10m2, đường đi vào ngõ sâu hun hút, nhà vệ sinh, nhà tắm chung, chật chội bí bách như thế thì đi ra một nơi mới khang trang hơn, điều kiện hơn không phải là phương án tồi. Chỉ có điều, dẫu chật chội nhưng cuộc sống lại gắn liền với những điều kiện ấy. Bản thân ông Nhi là người tàn tật (mất một bàn tay). Cả hai vợ chồng đều không có lương hưu, chỉ biết trông chờ vào cái quán nhỏ. Bây giờ mà bắt lên ở tầng 5 tầng 6, thì biết sống bằng gì?
Ở đây chật chội thật đấy, đến cái ngõ cũng chẳng đủ rộng để dắt xe vào, mà có dắt được vào thì cũng không có sân mà để. Xe máy phải gửi qua đêm ngay ngoài đường, khóa lại, dựng cạnh gốc cây, tháng nộp đủ hơn trăm nghìn một xe thì người ta trông cho. Nhưng vẫn là còn có "cửa" sống. Sang bên kia, ở chung cư, biết làm gì mà ăn? Rồi còn các loại tiền, lệ phí nhà tầng nghe nói cũng nhiều lắm…
Đích thân ông Nhi đưa PV sang "tham quan" số nhà 17 chếch bên đường. Tình hình còn thảm hại hơn. Bên số nhà này có tới 7 hộ sinh sống. Nhà chật nhất chưa đầy 4m2, nằm cuối cùng trong ngõ, ngay trước đường vào khu vệ sinh chung. Đường ngõ vào sâu hun hút, ẩm thấp, nhiều chỗ người cao chừng 1,7m là kịch trần, đi phải cúi đầu. Cứ một cái rẻo như thế, đi một đoạn lại có một cái cửa, lại một hộ gia đình.
Đối diện với cửa vào các nhà, chỗ chỗ lại thấy có một ô phủ vải. Hóa ra là trong nhà hết chỗ để đồ, người ở đây nghĩ ra cách khoét tường đối diện thành từng ô, làm thêm những đợt bằng gỗ để tăng diện tích. Ông Nhi đưa tay vén một tấm vải lên: Cơ man nào là chổi cùn rế rách, nồi niêu xong chảo lỏng chỏng… Điều kiện, hoàn cảnh sống khó mà tưởng tượng nổi, lại đang diễn ra hàng ngày, ngay giữa thanh thiên bạch nhật, tại Thủ đô!?
Ông Nhi bảo, thắc mắc của ông cũng như nhiều người dân nơi đây, là những hộ nằm trong tiêu chí nào thì sẽ thuộc diện giãn dân? Điều này hoàn toàn mơ hồ. Những người tổ trưởng như ông là biết rõ nhất số nhà nào sập xệ nhất, đông người nhất; hộ gia đình nào khó khăn nhất, hoàn cảnh nhất thì chưa từng được thấy tham khảo ý kiến. "Chúng tôi lo ngại rằng nếu cứ áp đặt theo quan điểm chủ quan, không thực tế thì sẽ rất dễ dẫn đến hộ không muốn hoặc chưa đến mức phải giãn dân thì lại phải đi, trong khi có những nhà khốn đốn lắm rồi, muốn đi lắm rồi lại chưa đến lượt. Như thế thì di dân sẽ không hiệu quả chăng?".
Thực ra trong bản Báo cáo trình UBND thành phố, UBND quận Hoàn Kiếm cũng đã có đưa ra một số cơ chế chính sách đặc thù thực hiện Đề án giãn dân phố cổ, coi như có thể tham chiếu cho một vài tiêu chí. Đó là đối với các hộ dân sống trong các di tích, công sở, trường học, các biển số nhà và chung cư xuống cấp nguy hiểm, các biển số nhà cần di dời toàn bộ để phục vụ công tác bảo tồn theo Luật Di sản văn hóa, các hộ dân sống trong phạm vi giải phóng mặt bằng theo các dự án của thành phố thì sẽ thuộc diện giải phóng mặt bằng.
Đối với các hộ dân sống trong những ngôi nhà cổ có giá trị đặc biệt cần bảo tồn, hộ sống trong các biển số nhà đông hộ có diện tích ở bình quân dưới 5m2/ người, các chung cư xuống cấp thì thuộc diện đối tượng vận động giãn dân. Phần còn lại bao gồm các hộ dân có hộ khẩu và đang sinh sống trong khu phố cổ Hà Nội ngoài hai loại đối tượng trên nếu có nhu cầu sẽ được đưa vào loại đối tượng tự nguyện giãn dân. Chỉ có điều, không biết tại sao nó lại chưa được phổ biến xuống người dân, trong khi "công tác tuyên truyền, vận động đóng vai trò rất quan trọng để đảm bảo tính khả thi và sự thành công của công tác giãn dân phố cổ" như báo cáo đã khẳng định thì những đầu mối như ông Nhi không thể không biết?
Cũng không có nhiều thông tin hơn ông Nhi, ông Nguyễn Văn Thăng, tổ trưởng tổ 37, dân cư khu phố 9, số nhà 53 Hàng Buồm lại có nỗi băn khoăn khác. Số nhà 53 thực ra là một khu tập thể lớn, diện tích gần 1.000m2 với tổng số 63 hộ gia đình. Nguyên trước đây là khu tập thể thuộc Bộ Giao thông Vận tải, nhưng nay đa phần cán bộ cũ đã bán chuyển đi hết. Công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều hộ gia đình đã cơi nới, sửa lại nhà không còn như cũ. Được biết số nhà 53 thuộc diện di dời, tức là tự nguyện. Và, theo ông Nguyễn Văn Thăng, thì "chúng tôi sẽ không đi đâu hết!".
Lý do ông Thăng nói với phóng viên, ngoài những vấn đề như lo ngại về chất lượng nhà tái định cư không đạt yêu cầu (thực chất đây chính là một điểm yếu nữa trong công tác tuyên truyền của dự án di dân phố cổ hiện nay, bởi theo ngay báo cáo thời gian thực hiện dự án, thì nhà tái định cư phục vụ dự án còn chưa xây dựng, làm sao đã biết chất lượng?); sang nơi ở mới xa trường học, xa bệnh viện, vân vân và vân vân, thì còn một mối băn khoăn nữa, đó là "người ta giải tỏa chúng tôi để làm gì?".
"Nếu Nhà nước lấy nhà của chúng tôi để làm các công trình phục vụ dân sinh, chúng tôi sẽ cân nhắc. Còn nếu chỉ là tổ chức, cá nhân thì chắc chắn là không. Hoặc là nếu có thì sẽ phải làm việc trực tiếp với dân. Đừng có mượn cớ dự án để nhận đất giá rẻ rồi xây văn phòng, cao ốc!" - ông Thăng rất thẳng thắn.
Theo ông Thăng, công trình dân sinh theo ông hiểu phải là trường học, nhà trẻ, vườn hoa. Một băn khoăn nữa của người thuộc diện giãn dân, đó là nhà đang ở bây giờ, dẫu có chật chội, nhưng nó vẫn đang như thế. Còn sang chỗ mới, thì phải mua. Nhà đông người nhưng diện tích nhỏ, sang bên kia tiền đền bù làm sao đủ mua căn hộ mới… Ở bên này, ra đến đường là kiếm được tiền, sang bên kia, không có tiền thì gửi xe còn không được, chứ đừng nói đến đi thang máy. "Chúng tôi muốn mọi vấn đề phải thật rõ ràng", tổ trưởng Nguyễn Văn Thăng bày tỏ.
Ngoài ra, vấn đề bố trí công ăn việc làm, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống cho bộ phận người dân di dời cũng là vấn đề rất đáng băn khoăn. Thực tế trong bản báo cáo dài hơn 10 trang giấy với đủ các hạng mục đầu tư, thật khó để tìm thấy những thông tin cụ thể về việc hỗ trợ việc làm cho các hộ dân sau di dời. Chẳng hạn như trong phần chi tiết về các nguồn vốn để thực hiện dự án, thì phần vốn ngân sách nhà nước bao gồm chi phí lập đề án, lập và thực hiện dự án đầu đi, công tác giải phóng mặt bằng tại đầu đi, chuẩn bị dự án đầu đến, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chi phí quản lý dự án chỉ là hơn 492 triệu đồng. Còn lại phần rất lớn hơn 3.827 tỉ đồng là nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp, tư nhân ứng để đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân. Không có phần cho tái thiết công ăn việc làm và với những người như ông Thăng hoàn toàn có quyền băn khoăn về cơ chế thu hồi vốn của nguồn vốn xã hội hóa này…
Khu phố cổ Hà Nội có phạm vi được xác định phía bắc là phố Hàng Đậu, phía tây là phố Phùng Hưng, phía nam là các phố Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ và Hàng Thùng; phía đông là đường Trần Quang Khải và đường Trần Nhật Duật; có diện tích khoảng 81ha nằm trên địa bàn 10 phường thuộc quận Hoàn Kiếm, với tổng số dân điều tra năm 2010 là 66.000 người, tương ứng với mật độ 823 người/ha. Trong khu phố cổ có 121 di tích trong đó có 11 di tích đã được xếp hạng, 1.623 hộ sống trong các biển số nhà xuống cấp nguy hiểm và biển số nhà đông hộ, hơn 200 ngôi nhà có giá trị đặc biệt cần bảo tồn.
Giai đoạn 1 của Đề án giãn dân phố cổ sẽ nghiên cứu đề xuất giải pháp, cơ chế chính sách để di chuyển khoảng 1.800 hộ dân sang khu đất có diện tích 11,12ha tại khu đô thị mới Việt Hưng. Giãn dân phố cổ là một chủ trương lớn của Thành ủy và UBND TP Hà Nội.
|
(Theo CAND)