Hơn 30 năm sau ngày giải phóng, những gia đình cách mạng tại phường anh hùng An Bình (Ninh Kiều, Cần Thơ), ấp Lợi Dũ B bên con lộ Vòng Cung vẫn đang phải đấu tranh để giành lại quyền sở hữu đất của mình.
Hơn 30 năm sau ngày giải phóng, những gia đình cách mạng tại phường anh hùng An Bình (Ninh Kiều, Cần Thơ), ấp Lợi Dũ B bên con lộ Vòng Cung vẫn đang phải đấu tranh để giành lại quyền sở hữu đất của mình.
Ông Lý Quan Xệ, 62 tuổi, có bố và ông đều từng hoạt động cách mạng, kể: “Mấy năm trước, nhiều cán bộ trên thành phố vào hỏi chuyện thành tích của ba tôi. Ba không nói gì, chỉ bảo rằng có được bao nhiêu đất bị lấy hết, còn kể thành tích, báo công gì nữa. Sau này, giấy xác nhận công lao nuôi chứa và tham gia cách mạng của ba tôi có nhiều cán bộ đã ký nhưng ba tôi cũng không chịu làm hồ sơ để nhận huân, huy chương”.
Trước đây vùng đất này hoang vắng. Mấy đời gia đình ông khai phá được 18 ha đất, cha con anh em liên tục trực canh sinh sống và nuôi chứa cán bộ, “một tấc không đi một ly không rời”. Về sau, hơn 7 ha bị truất hữu (bán cho chính quyền cũ) đến ngày hòa bình còn gần 11 ha (3 ha vườn, gần 8 ha ruộng).
Năm 1978, bố ông Xệ (Lý Quan Ngự) được Chủ tịch xã An Bình, lúc đó là ông Lê Ngọc Điệp, gọi qua rạch Rau Răm trước nhà để “họp dân”. Đến nơi thì thấy có hai người và ông Điệp đọc quyết định trên tỉnh gửi về, nội dung chính: “Lý Quan Ngự nguồn gốc là địa chủ chiếm hữu ruộng đất. Nay thu hồi phần đất bán cho Mỹ, trưng thu đất và vườn phát canh, gia đình tên Ngự được cho bình quân nhân khẩu do địa phương quy định cả đất lẫn vườn để lao động sản xuất”.
Ông Ngự phản đối: Gia đình ông theo cách mạng, đất đai tự khai phá nay còn 11 ha mà có đến 10 người con nên không đồng ý giao cho ai. Ông không ký biên bản. Mấy hôm sau cán bộ địa phương đến cắm cọc chỉ cho gia đình ông mảnh đất có nhà ở và mồ mả tổ tiên vỏn vẹn 3.060 m2, còn lại lấy chia cho dân, xây trại tạm giam và làm khu sản xuất cho phạm nhân.
Dù có buộc san sẻ đất cho người khác thì theo quyết định thu hồi vẫn phải đảm bảo cho gia đình ông có diện tích đất bình quân mỗi nhân khẩu 0,18 ha (quy định của địa phương lúc đó) để sinh sống. Gia đình ông có 11 người, phải được để lại ít nhất 1,98 ha.
Mấy chục năm khiếu nại, gia đình ông chỉ mong một lần gặp cán bộ lãnh đạo Cần Thơ để trình bày mà chưa được. Ngày 21/4, ông nhận được công văn của UBND TP Cần Thơ, viết: "Đất ông Ngự bị trưng thu… một phần sử dụng vào mục đích an ninh là phù hợp”.
Cuối tháng 11, phần đất “sử dụng vào mục đích an ninh” có một góc vốn là nơi sản xuất của phạm nhân đã được san lấp mặt bằng, làm đường, kéo điện. Trung tá Trần Ngọc Hạnh, Trưởng phòng Hậu cần Công an TP Cần Thơ cho biết: "Góc đất rộng hơn 1 ha đang tính xây dựng khu tập thể, đã chia ra 80 lô để chuẩn bị cấp cho gia đình cán bộ. Ông Lý Quan Xệ thì nói: "Chính góc đất này, gia đình ông từng đào 13 hầm bí mật nuôi cán bộ trong suốt cuộc kháng chiến".
Lấy đất của gia đình liệt sỹ chia cho cán bộ
Gia đình bà Khưu Thị Kim Hương, vốn là gia đình liệt sĩ, mấy đời ở số 84/2, đường Lê Hồng Phong, phường 3 (TX Sóc Trăng) trên gần 4 ha đất, tham gia cách mạng suốt những năm chiến tranh cho đến sau hòa bình. Năm 1977 tỉnh thu hồi của bà 2 ha đất bảo để mở rộng trường chính trị bên cạnh, không bồi hoàn cho bà, nhưng sau đó trường không mở rộng và đất đem chia cho cán bộ.
Nhiều cán bộ đã có nhà cửa nơi khác, đất được cấp liền bán hoặc bỏ hoang. Điển hình là ông Nguyễn Thế Hải, Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Sóc Trăng. Ông Hải đã được mua hóa giá của Nhà nước căn nhà 14/23, đường Lý Tự Trọng (Ninh Kiều, TP Cần Thơ), lúc hai địa phương còn chung tỉnh Hậu Giang.
Nhà tại Cần Thơ vợ con vẫn ở, ông về Sóc Trăng ở nhà công vụ nhưng được cấp cho 105 m2 trong 2 ha đất lấy của bà Hương. Từ khi được cấp đất, ông Hải cho ông Võ Văn Quân thuê mở quán ăn. Nay ông Hải bán lô đất giá 1,3 tỷ đồng nhưng do phát sinh tranh chấp với ông Võ Văn Quân nên đang kiện nhau ra tòa.
Năm 1992, địa phương lấy tiếp của bà Hương 750 m2 để làm đường, không bồi hoàn. Năm 2003, tỉnh lấy tiếp 1,2 ha đất của bà Hương bảo để xây dựng “khu tái định cư” và làm đường nhưng phần lớn lại cấp cho cán bộ, trong đó có người từng được cấp đất ở 2 ha lấy của bà Hương trước kia.
Việc cấp này, một cán bộ của Sở Tài nguyên - Môi trường Sóc Trăng giải thích: “Đất trước đây cấp cho 2 ông bị giải tỏa làm đường nên phải cấp lại”. Hai ông đã có nhà cửa nơi khác, ông Lực còn có tòa biệt thự lớn vào loại nhất nhì TX Sóc Trăng trên đường Trần Hưng Đạo.
Năm 1992 để xây dựng trụ sở Sở Lao động-Thương binh-Xã hội trên đường Trần Hưng Đạo, tỉnh Sóc Trăng đã thu hồi đất của 21 hộ dân và đưa các hộ này về ở trên 2.250 m2 đất thu hồi của bà Hương, chỉ bồi hoàn cho bà Hương 1.100 đồng/m2 (trả tiền năm 2001). Nay tỉnh muốn thay đổi trụ sở của Sở Lao động-Thương binh-Xã hội trên đường Trần Hưng Đạo lại lấy đất của bà Hương để xây trụ sở mới. 1,2 ha đất thu hồi sau, bà Hương được bồi hoàn 72.000 đồng/m2 cho diện tích “khu tái định cư” và 24.000 đồng/m2 cho diện tích làm đường, trong lúc giá thị trường gần 5 triệu đồng/m2.
Địa phương bác đơn của bà và liên tục cưỡng chế để lấy đất. Bà khiếu nại lên Trung ương, đầu năm 2005 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ TN-MT và UBND tỉnh Sóc Trăng xem xét giải quyết đảm bảo quyền lợi chính đáng của gia đình bà Hương. Đến nay chưa có giải quyết cụ thể trong khi khu đất liên tục bị bán và cấp cho cán bộ.
(Theo Tiền Phong)