Dưới hình thức “liên kết”, “phục vụ nhu cầu phát triển nhà trường”, diện tích đất ít ỏi của trường đại học Bách khoa Hà Nội đang bị “xâu xé” không thương tiếc!
Dưới hình thức “liên kết”, “phục vụ nhu cầu phát triển nhà trường”, diện tích đất ít ỏi của trường đại học Bách khoa Hà Nội đang bị “xâu xé” không thương tiếc!
Tất cả đều phục vụ cho trường!
PGS.TS Phạm Thu Thuỷ, hiệu phó phụ trách cơ sở vật chất đại học Bách khoa Hà Nội, khẳng định chiều 4.6, có ba ngân hàng đang hoạt động trên phần đất của trường, “nhưng đó là những ngân hàng phục vụ cho sinh viên!”
Ngay phía mặt tiền tầng một khối nhà năm tầng A17 (trên đường Tạ Quang Bửu), chi nhánh ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chiếm một diện tích rộng rãi, khách giao dịch tấp nập, đi toàn ôtô, nhìn thôi cũng cảm nhận đó là thương nhân chứ không phải là sinh viên. Nằm cạnh BIDV là chi nhánh ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank). Cũng tại khu vực này là sự hiện diện của bưu điện Trung tâm 2 của VNPT, hoạt động hết tần suất, không liên quan mấy đến chuyện dạy và học của trường.
Chỉ với một đoạn đường ngắn, nhưng đại học Bách khoa Hà Nội trở thành “ông chủ” trên những thửa đất “vàng” dọc đường Tạ Quang Bửu. Và dĩ nhiên, các vị trí đất thuộc “bờ xôi ruộng mật” được ban giám hiệu nhà trường thống nhất mời gọi các doanh nghiệp bên ngoài “nhảy” vào làm kinh tế, “băm nát” nốt diện tích đất ít ỏi phục vụ nhu cầu ăn học của sinh viên. Toà nhà trung tâm phục vụ tổng hợp Bách khoa (số 10, đường Tạ Quang Bửu) ba tầng kiên cố, được đưa vào sử dụng vào tháng 8.2008. Ngay từ ngày khai trương, các doanh nghiệp về tín dụng cũng như dịch vụ đã nhanh chân “ký hợp đồng”, biến khu đất “vàng” thành điểm kinh doanh lý tưởng. Chiều 4.6, một dải băng màu đỏ được ai đó căng trước mặt tiền toà nhà với dòng chữ: “Nhà hàng Bách khoa nhận đặt tiệc cưới, sinh nhật, liên hoan, hội nghị...”. Khối nhà ba tầng đã kín chỗ cho thuê từ ngày khai trương. “Mà toàn những đơn vị không trực thuộc quyền quản lý của đại học Bách khoa”, bà Thuỷ xác nhận. Từ ngày đường Trần Đại Nghĩa được mở, đầu hè của hai khối nhà ký túc xá B6, B7 cũng được ban giám hiệu nhà trường “huy động vốn” của người ngoài, mở quán cà phê, quán nhậu.
Nhà ăn 1/5, một trong những nhà ăn phục vụ sinh viên của trường cũng trở thành nơi kinh doanh nhà ăn phục vụ đám cưới.
Thiếu đất cho sinh viên?
Phó hiệu trưởng Phạm Thu Thuỷ khẳng định, khối nhà trung tâm phục vụ tổng hợp Bách khoa được xây dựng với mục đích để phục vụ nhu cầu của sinh viên! Sự hiện diện của ngân hàng Hà Thành (nhà A17) là để phục vụ nhà trường, “vì toàn bộ lương của cán bộ được thanh toán qua thẻ”. Sự có mặt của VietinBank tại tầng một (nhà A17) cũng với mục đích phục vụ nhà trường! “Chúng tôi đang tiến tới hiện đại hoá trong các thủ tục, sinh viên đóng học phí sẽ thông qua ngân hàng VietinBank”, bà Thuỷ lý giải.
Ngoài các ngân hàng “phục vụ nhu cầu của trường” trong một khối nhà, việc bưu điện của VNPT “cắm” kiên cố trên phần đất công, cũng để phục vụ trường bởi đây là “đơn vị liên kết với chúng tôi trong giao dịch thư tín”, bà Thuỷ cho hay.
Bà Thuỷ không đưa ra con số kinh tế, rằng mỗi năm doanh thu từ việc cho các đơn vị tín dụng và những doanh nghiệp khác, cũng như quán cà phê, kiốt nhỏ... đưa vào “két” nhà trường là bao nhiêu tiền. “Riêng ngân hàng, trung tâm phục vụ khách hàng, doanh nghiệp Minh Châu thuê tại vị trí tầng một, chúng tôi tính từ 12 – 13 USD trên một mét vuông!”, bà Thuỷ đưa ra con số chính xác.
Bà Thuỷ tính toán, với tổng số khoảng trên 20.000 sinh viên (thuộc các hệ đào tạo), trường đại học Bách khoa Hà Nội mới chỉ đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho hơn 4.000 sinh viên. “Quỹ đất của trường còn thiếu nhiều lắm”, bà Thuỷ bổ sung. Tuy nhiên, khi “quỹ đất còn thiếu lắm”, thì phó hiệu trưởng Phạm Thu Thuỷ vẫn khẳng định, việc nhà trường cho các đơn vị kinh tế bên ngoài “liên kết” làm ăn trên phần đất của mình không có gì trái với tinh thần quản lý công sản của Nhà nước.
(Theo SGTT)