Sau những vụ tranh chấp đất đai, nhiều gia đình đến ngày giỗ tổ mạnh ai nấy làm. Giá đất tăng vọt tỷ lệ nghịch với mối quan hệ gia đình, dòng tộc ở Bà Điểm, Hóc Môn.
Sau những vụ tranh chấp đất đai, nhiều gia đình đến ngày giỗ tổ mạnh ai nấy làm. Giá đất tăng vọt tỷ lệ nghịch với mối quan hệ gia đình, dòng tộc ở Bà Điểm, Hóc Môn.
Hơn nửa thế kỷ trước, khi đặt chân đến vùng Bà Điểm, Hóc Môn khẩn hoang, trồng trầu cau lập nghiệp, ông Hai Bình cũng như nhiều cư dân khác không thể hình dung một ngày nào đó, mỗi mét vuông đất ở đây sẽ được tính bằng cây vàng.
Sau nửa thế kỷ, Mười Tám Thôn Vườn Trầu trở thành biểu tượng cho thiên thời địa lợi nhân hòa của Sài Gòn - Gia Định. Ông Hai Bình hiểu và lấy làm tự hào về điều đó nên khi 8 người con của ông lần lượt trưởng thành, gả chồng cưới vợ, ôn cất cho một căn nhà bên cạnh để ra ở riêng. Ước nguyện của ông là sẽ có một xóm nhà mà trong đó toàn là những người ruột thịt để cộng hưởng cái hòa khí của làng mạc, đất đai.
Khi bến xe An Sương, cầu vượt An Sương, đường xuyên Á mở ra, cả 4 bề là đô thị, đất đai lên cơn sốt, người ta ầm ầm sang bán. Con cái ông Bình xì xầm rằng năm nghìn mét vuông đất của ông giờ giá chót cũng 15 tỷ, nếu chia đều ra thì mỗi ngưòi cũng ngót nghét 200 lượng vàng.
Biết trước sẽ có chuyện chẳng lành, ông Bình họp các con lại bảo chia đều cho 8 đứa bằng nhau, cứ phân ra thành 8 ô rồi bốc thăm, đứa nào trúng lô nào thì lấy lô đó.
Nhưng chị Nguyễn Thị Phượng, người con gái thứ tư phản đối: "Phần tôi 2.000 m2, tôi canh tác 40 năm nay, chồng tôi đứng tên khai thuế từ năm 1975 đến nay, tôi không chia cho ai hết". Thấy chị đông con, anh em trong nhà thống nhất chia cho chị 800m2, nhưng chị kiên quyết không chịu. Ít lâu sau, ông Bình sinh bệnh và chết. Cuộc tranh chấp tiếp tục diễn ra.
Bà Trần Thị Hớn có 1.500 m2 đất hương hỏa. Năm 1999, bà làm tờ phân cho 8 người con, mỗi người 120-150 m2, riêng bà giữ lại 480 m2 dưỡng già. Trước khi qua đời, bà lập giấy ủy quyền phần đất của bà cho người con trai út để anh này lo thờ cúng tổ tiên.
Hai năm sau khi bà Hớn qua đời, 7 anh chị em của Út làm đơn kiện đòi chia thừa kế phần đất dưỡng già của mẹ, mỗi ngưòi 59 m2. Trong cuộc họp hòa giải của xã, họ cho rằng mặc dù Út ở với mẹ nhưng tất cả đều nuôi, có ngưòi còn lật sổ đọc vanh vách những ngày tháng và các khoản chi phí nuôi mẹ ở bệnh viện.
Ông Thanh Hà, cán bộ thi hành án huyện Hoác Môn thở dài: "Đất càng lên giá bao nhiêu thì tình người càng xuống giá bấy nhiêu".
(Theo Tiếp Thị Sài Gòn)