Hội Tư vấn khoa học công nghệ kỹ thuật và Quản lý HASCON vừa tổ chức hội thảo bàn về vấn đề "Mở tuyến đường sắt, đường bộ song hành xuyên Đông Dương".
Hội Tư vấn khoa học công nghệ kỹ thuật và Quản lý HASCON vừa tổ chức hội thảo bàn về vấn đề "Mở tuyến đường sắt, đường bộ song hành xuyên Đông Dương".
Đường bộ xuyên Việt hiện nay có quốc lộ 1A ở phía đông và đường Hồ Chí Minh ở phía tây, cự ly trên 1.700 - 1.800 km. Hai con đường này đều đã được nâng cấp hoặc làm mới nhưng vì nhiều lý do nên vận tốc lưu thông trung bình chỉ đạt 50 km/giờ, tương đương thời gian đi từ Bắc - Nam khoảng 2 ngày đêm.
Theo đề xuất ban đầu của ông Mai Trọng Tuấn, tuyến đường cao tốc này bao gồm hai phần chính: một tuyến đường sắt, một tuyến đường bộ song hành xuyên 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia.
Theo tính toán của ông Tuấn, trục đường bộ qua 3 nước có điểm đầu tại Hà Nội và điểm cuối tại TP.HCM. Tổng chiều dài khoảng 1.410 km; ngắn hơn 300 km so với trục quốc lộ 1A của Việt Nam. Việc đầu tư trục đường bộ này không tốn nhiều kinh phí vì đi qua nhiều tuyến đường hiện hữu của cả 3 nước, do đó chỉ cần mở rộng lên sáu làn xe là đủ.
Một lợi thế khác là trục đường đi qua những vùng ít đồi núi, khá bằng phẳng và cao hơn mực nước biển so với quốc lộ 1A. Khi vào mùa mưa bão, các xe cộ đi đường này ít bị ảnh hưởng hơn đường quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh. Ngoài việc rút ngắn được cự ly, thời gian lưu thông trên đường cũng được rút ngắn khoảng 16-18 tiếng vì tốc độ đi qua đường này tăng lên từ 80 đến 120 km/giờ.
Với đường sắt, có nhiều phương án lựa chọn. Cũng có thể cho các loại tàu chạy chung trên đường ray hiện hữu và chỉ làm mới những đoạn ra khỏi đường ray này để đi qua Lào, Campuchia về điểm cuối TP.HCM. Đường sắt mới sẽ làm đường khổ rộng 1,435 m hoặc đường hai ray khổ rộng 1,435 m. Việc đầu tư đường sắt khổ rộng nhằm nâng cao vận tốc lên 150-200 km/giờ. Nếu đầu tư được trục đường ray khổ rộng thì không cần đầu tư đường sắt cao tốc. Còn về kinh phí, trục đường sắt khổ rộng chỉ tốn khoảng 20 tỉ USD; bằng 1/3 kinh phí đầu tư đường sắt cao tốc Bắc-Nam.
Về phương án đầu tư, ông Mai Trọng Tuấn đưa ra 3 phương án: Việt Nam đầu tư bằng nguồn vốn ODA với số lượng vay bằng hoặc dưới 30% tổng kinh phí đầu tư; kêu gọi nước ngoài đầu tư theo hình thức BOT hoặc kêu gọi các nhà đầu tư trong nước tập hợp lại thành tổng công ty để đầu tư, quản lý, khai thác.
Tại hội thảo, đa số các đại biểu đều tán thành đề xuất của ông Mai Trọng Tuấn. Hội đồng tư vấn kỹ thuật quy tụ những chuyên gia hàng đầu trong ngành cầu, đường bộ, đường sắt ở TP.HCM cũng đã được thành lập và sau khi hoàn thành sẽ trình lên Bộ Giao thông Vận tải xem xét đánh giá chi tiết.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)