Tại cuộc họp ngày 10/8, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland, ông Nguyễn Công Hồng cho biết: "Nếu đấu thầu thành công và được chấp thuận, chúng tôi tự tin trong 2 năm sẽ xử lý xong bãi rác Gò Cát (rộng 25 ha ở quận Bình Tân), trong 3 năm phát triển thành khu đô thị".
Theo đề xuất của ông Hồng, bãi rác Đông Thạnh và Gò Cát quy mô 40 ha tại huyện Hóc Môn cần được khảo sát để tính toán giải pháp công nghệ, lập phương án thiết kế, kiến nghị đầu tư xử lý phần bãi rác và nghiên cứu lập quy hoạch phát triển 2 khu vực này thành khu đô thị với tỷ lệ 1/500.
Doanh nghiệp cho rằng, trường hợp TP.HCM chỉ tính xử lý rác sẽ phải huy động nguồn lực tài chính lớn, làm công trình thương mại hoặc làm công viên sẽ không có nguồn lực, thu hồi vốn chậm. Trong khi đó, nếu quy hoạch nơi đây thành khu đô thị thì không chỉ tạo ra nguồn lực để giải quyết vấn đề rác thải, đồng thời cung ứng cho thị trường, xã hội 1 khu đô thị mới.
|
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy (trái) và ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM tại buổi làm việc. (Ảnh: Hữu Nguyên) |
Được biết, Đông Thạnh và Gò Cát là 2 bãi rác chôn lấp lớn, đã đóng cửa hơn 1 thập kỷ. Đây là các khu vực đủ điều kiện xử lý chất thải chôn lấp, sử dụng quỹ đất phát triển kinh tế - xã hội. Tại Gò Cát, rác có 5 thành phần chính là sản phẩm nhựa khoảng 300.000-400.000 tấn; chất hữu cơ khó phân hủy 700.000 tấn; chất hữu cơ dễ phân hủy 800.000 tấn, các kim loại khác 60.000 - 70.000 tấn và đất kèm theo vật liệu bùn chôn.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT, đơn vị đã làm việc với nhà đầu tư nhằm xử lý các thành phần chôn lấp cũng như tạo nguồn thu cho việc xử lý 2 bãi rác nói trên. Cụ thể, kim loại có thể được làm sạch, ép thành bánh để phục vụ các công đoạn của ngành khác; sấy khô chất nhựa, ép thành than đốt phục vụ ngành tái chế nhựa, xây dựng, các ngành khác; bùn đất có thể làm phân vi sinh, phân hữu cơ.
Như vậy, với đề xuất quy hoạch bãi rác thành khu đô thị, nhiệm vụ của Sở TN&MT là cung cấp thông số lập đề án theo yêu cầu mà TP.HCM đặt ra. Trách nhiệm của các huyện, quận và sở ngành liên quan là đề xuất hướng khai thác quỹ đất của 2 bãi rác này sau khi xử lý. Căn cứ theo đó, chính quyền TP.HCM sẽ điều chỉnh quy hoạch các bãi rác.
|
Tại TP.HCM, 76% lượng rác tại đang được chôn lấp. (Ảnh: Hữu Nguyên) |
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng, đề xuất của doanh nghiệp nêu trên là khả thi. Do đó, lãnh đạo TP đề nghị doanh nghiệp tham gia cùng Sở TN&MT xây dựng các tiêu chí chọn nhà đầu tư xử lý bãi rác chôn lấp, tiêu chí đấu thầu. Việc này cần đảm bảo những tiêu chuẩn, điều kiện về bảo vệ môi trường; Nhà nước tốn ít kinh phí nhất và đảm bảo tính khả thi với nhà đầu tư.
Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland, giải pháp để xử lý hàng triệu tấn rác chôn lấp nhiều năm là đào toàn bộ rác lên (làm từng phần, dùng vi sinh không phát sinh ô nhiễm, không phát tán mùi hôi) rồi làm khô. Doanh nghiệp sẽ bóc tách từng loại rác qua nhiều bước phân loại, gồm: Kim loại sẽ đúc thành bánh; túi nylon, nhựa làm hạt nhựa hoặc sản phẩm nhựa tái chế; bùn đất làm phân vi sinh.
Mặt khác, đơn vị sẽ đốt theo công nghệ Nhật Bản đối với loại rác không tái sử dụng, không tái chế được (khoảng 40%). Công nghệ đốt rác này sẽ được điều chỉnh sao cho phù hợp với rác của Việt Nam. Với nhiệt độ trên 1.000 độ C, lò hoạt động 24/24 giờ, chỉ thải ra khói trắng, xử lý triệt để dioxin. Do không được thẩm mỹ nên phần sỉ thu lại sẽ sử dụng làm gạch cho công trình ngầm.