86.000 dân sinh sống trong khu phố cổ Hà Nội đang gây áp lực lên hạ tầng
nơi đây. Dự án giãn dân phố cổ sẽ di chuyển 40% ra khỏi khu vực này.
86.000 dân sinh sống trong khu phố cổ Hà Nội đang gây áp lực lên hạ tầng nơi đây. Dự án giãn dân phố cổ sẽ di chuyển 40% ra khỏi khu vực này.
Cuộc di dời lớn
Một cuộc di dời lớn dân cư để bảo tồn khu phố cổ, đồng thời giảm sức ép về hạ tầng nơi đây xuống chỉ còn 60% dân cư hiện tại.
Bà Lê Quỳnh Anh, Phó ban Quản lý phố cổ Hà Nội cho hay, đề án giãn dân phố cổ giai đoạn I đưa ra mục tiêu di dời 1.800 hộ dân tương đương khoảng 7.200 dân trong 10 phường khu phố cổ.
Những hộ dân sinh sống trong các di tích lịch sử, trường học, công sở, các biển số nhà đông hộ và các hộ dân có nguyện vọng di chuyển sẽ là đối tượng di dời trước tiên, dự kiến vào khoảng quý IV năm 2013.
Trong khi đó, điều tra xã hội học của quận Hoàn Kiếm cho hay, trong số 1.800 hộ dân di dời đợt đầu này có hơn 1.000 hộ tự nguyện di dời.
“Hiện nay đã có rất nhiều người dân phố cổ quan tâm đến việc giãn dân phố cổ và muốn nộp đơn đề nghị được di chuyển, nhưng chúng tôi chỉ chính thức tiếp nhận sau khi Đề án giãn dân phố cổ đã được TP phê duyệt và triển khai các bước tiếp theo” – bà Quỳnh Anh nói.
Cư dân di dời trong đợt I sẽ được chuyển sang khu đô thị Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội. Quận Hoàn Kiếm cho rằng, với 11,12 ha của Việt Hưng mới chỉ đáp ứng được 1.800 hộ. Những đợt di chuyển sau này, TP phải có những dự án khác để tiếp tục xây dựng khu đô thị giãn dân mới đáp ứng được nhu cầu của người dân phố cổ.
Trước những lo ngại về việc các căn nhà, công trình được bàn giao lại cho quận, ông Hoàng Công Khôi, Bí thư quận Hoàn Kiếm cho hay, “tại các gia đình chật chội, khi di dời những căn hộ ấy sẽ bàn giao lại cho những anh em trong gia đình. Hiện nay, nhiều nhà có 15 đến 20 hộ gia đình chung sống trong một căn nhà thì họ có thể bàn giao cho nhau. Còn những đối tượng khác sẽ tiếp tục nghiên cứu, có chính sách cụ thể sau”.
Bà Quỳnh Anh khẳng định, sẽ không thể có việc người dân nơi khác lại tràn vào ở sau khi giãn dân phố cổ và trong Đề án giãn dân phố cổ, Hoàn Kiếm đã xây dựng cơ chế chính sách để kiểm soát ngăn ngừa việc tăng dân số trở lại.
Đề án giãn dân phố cổ cũng xây dựng cơ chế đối với các diện tích để lại sau khi giải phóng mặt bằng, để trình TP phê duyệt trong tháng 8 tới.
Trên 4.000 tỷ đồng cho cuộc di dời lần I
Một nghiên cứu trong Đề án giãn dân phố cổ đang được trình cho biết, để thực hiện việc giãn dân trong khu phố cổ đạt mật độ 500người/ha đến năm 2020 cần khoảng 40ha đất.
Với giai đoạn I, Hà Nội tiến hành đồng thời hai dự án, di dân khỏi phố cổ và xây dựng nơi ở mới. “Tổng kinh phí của Đề án giãn dân giai đoạn 1 dự kiến khoảng trên 4.000 tỷ đồng” – bà Quỳnh Anh cho hay.
Quận này cũng hứa, những người dân khi di dời sẽ được hưởng các cơ chế ưu đãi về mua nhà và giá mua nhà tại khu đô thị giãn dân phố cổ. Những trường hợp giải phóng mặt bằng sẽ được Nhà nước hỗ trợ di chuyển.
Tại khu Việt Hưng sẽ bố trí 35% diện tích sàn làm dịch vụ hỗ trợ người dân dân kinh doanh. Giá thành mua các căn hộ nói trên sẽ được tính theo giá của TP phê duyệt.
Tại một cuộc họp mới đây của UBND TP Hà Nội và quận Hoàn Kiếm về dự án, bà Nguyễn Thị Hà Ninh, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho rằng, tùy đối tượng người mua căn hộ mà áp dụng họ được trả góp hay trả một lần hay mua nhà theo giá nhà xã hội hay giá nhà thương mại. Đồng thời có chính sách khuyến khích những hộ dân xung phong đi đầu tiên bằng những căn hộ có vị trí đẹp.
Còn theo ông Khôi, nếu mật độ dân phố cổ giảm bớt đi, đặc biệt nếu trong mỗi một số nhà trở lại còn một hộ thì điều kiện bảo tồn sẽ tốt hơn.
Ngoài ra, song song với việc thực hiện giãn dân phố cổ thì Thành phố và quận sẽ tổ chức thiết kế mẫu mặt đứng của các tuyến phố như kiểu Tạ Hiện hiện nay để bảo tồn, tôn tạo.
Ông Khôi cũng đề xuất, nên di dời các phố nghề ra một khu vực khác để các nghệ nhân chế tác, các phố nghề sẽ chỉ gồm các cửa hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm và bán hàng.
(Theo Tổ quốc)