TP.HCM nếu đi chậm quá, hoặc đi nhanh quá cũng không tốt, hãy đi đúng với niềm hạnh phúc mà chúng ta cảm thấy, để không làm đổ vỡ những thứ quý giá mà chúng ta đã có. Chúng ta phải nhận thức lại, mới có cơ may tìm được những góc, những hơi thở thực sự thanh thản và hạnh phúc.
TP.HCM nếu đi chậm quá, hoặc đi nhanh quá cũng không tốt, hãy đi đúng với niềm hạnh phúc mà chúng ta cảm thấy, để không làm đổ vỡ những thứ quý giá mà chúng ta đã có. Chúng ta phải nhận thức lại, mới có cơ may tìm được những góc, những hơi thở thực sự thanh thản và hạnh phúc.
Hồn vía đô thị
Hơn 30 năm trước, lúc còn là sinh viên trường Kiến trúc, trong một lần tôi đi thực tập về Bến Tre, đến nơi thì trời đã tối. Tôi được gửi ở nhà một bà má. Té lên té xuống vượt qua cầu khỉ, tôi bắt gặp một con đường đất cong cong, một bên là hàng dâm bụt, một bên cỏ dại mọc đầy. Trăng sáng vằng vặc ửng lên con đường đất, ửng lên hàng hiên mái lá, giữa sân nhà trải một chiếc chiếu. Tất cả hiện lên đẹp như tranh, mặc dù má cứ xuýt xoa bữa cơm đạm bạc quá, chẳng có gì đãi con. Má đâu biết bữa cơm đạm bạc trên sân trăng ấy sau này người ta phải bỏ ra rất nhiều tiền để có thể hưởng thụ nó, mà chỉ là mô phỏng thôi.
Khi xây dựng một thành phố, để khẳng định thương hiệu, những người lãnh đạo cứ nghĩ phải hiện đại giống như thành phố X, phải rực rỡ hoành tráng giống thành phố Y, có như vậy mới rỡ mày rỡ mặt, mới thu hút được nhiều khách du lịch. Nhưng họ quên mất rằng du khách đâu có bỏ tiền để thấy những gì quen thuộc. Du lịch là để người ta được nhìn ngắm và thở hơi thở khác. Quan trọng là hơi thở đó phải nhẹ nhàng, yên lành, hạnh phúc, thú vị… Người ta chỉ có thể cảm được điều đó khi cư dân nơi chốn họ tới cũng đang sở hữu hơi thở, không khí, khung cảnh có chất lượng như thế. Để có không khí, hơi thở an nhàn, hạnh phúc, bản thân cuộc sống, con người, khung cảnh phải thật sự cân bằng, hài hoà. Không có những cố gắng thái quá để với tới những thứ chỉ thuộc về hình thức để chứng tỏ.
Làm thế nào để đánh động toàn xã hội đi tìm một nhịp thở hạnh phúc? Phải chăng chúng ta chưa có thái độ đúng với phần đô thị cũ? Nói đến xã hội là nói đến một thể tổng hợp của rất nhiều yếu tố, nhiều tầng lớp cư dân, những nghệ sĩ, người sáng tạo, những người buôn bán, quản lý, và đông nhất là khách hàng đang hưởng thụ. Người ta hay nói đến trình độ xã hội, nhưng theo tôi, trình độ không phải là điều quan trọng nhất. Nhiều nhà nhân chủng học cho rằng những xã hội rất man khai lại là xã hội hạnh phúc, còn những xã hội tiến bộ lại cực kỳ hỗn loạn. Sài Gòn, Hà Nội, Đà Lạt… không cứ gì phải giống một thành phố nào đó trên thế giới. Nói cho cùng, ai đã sinh ra Sài Gòn?
Rất nhiều thế hệ đã vượt qua cái đói, cái chết để gìn giữ Sài Gòn mà họ có bao giờ so sánh với ai đâu. Ai dám bảo họ không hạnh phúc? Những năm 80 thế kỷ trước, ở Pháp đã xây dựng một loạt thành phố mới với những tiêu chuẩn tốt nhất của một đô thị. Nhưng sau đó họ mới phát hiện những thành phố vệ tinh đó không dãn dân Paris ra được, vì nó thiếu hồn vía của những thế hệ, thiếu một góc càphê vỉa hè, một kiốt báo quen thuộc… Hồn đô thị cứ vương vấn người ta hoài là như vậy. Sự phát triển, sự lớn lên là đương nhiên, nhưng sự chối bỏ, sự thay thế không phải là thuộc tính của đời sống văn hoá, nhân văn của con người. Phải là một sự tiệm tiến. Do quá bận bịu với mong muốn, áp lực phát triển mà nhiều khi chúng ta quên dành thời gian, công sức và cả sự chân tình đối với thành phố cũ mà mình đã sống, đang sống và từ đó chúng ta không biết ứng xử thế nào để phần cũ của đô thị sống được đời sống rất giá trị của nó trong nhịp thở đương đại. Hành vi chồng lấp một cách thô bạo những giá trị mới mà ta mong ước lên trên những giá trị cũ đang làm mất đi vẻ đẹp riêng có của Sài Gòn.
Vẻ đẹp của hẻm và vỉa hè
Hẻm Sài Gòn cũng là một vấn đề liên quan đến chuyện thở. Hẻm là nơi người ta có thể bày những gánh quà sáng, một xe cháo khuya, một chợ chồm hổm, một chỗ sửa xe, buổi trưa có mấy đứa nhỏ chơi đánh đáo… đó là cuộc sống. Hẻm là hẻm, khi người ta mở rộng, nắn hẻm thẳng băng, thì nó thành đường rồi. Hẻm là một phần của hơi thở đô thị Sài Gòn, một đô thị đất chật, người đông. Không gian giao tiếp ngẫu nhiên ngoài vỉa hè đô thị còn có một phần diện tích hẻm, ở đó không gian giao thông và không gian sinh hoạt chồng lấp nhau, hài hoà với nhau tuỳ theo từng hoàn cảnh. Nếu gia đình nào có ma chay, cưới hỏi, cả hẻm đều nhường đường để làm mái che, phụ nhau giữ xe, tiếp khách. Tình làng nghĩa xóm cũng được nuôi dưỡng từ đó. Rõ ràng đó là những góc rất nhân văn. Chúng ta đã đánh mất hàng loạt hơi thở Sài Gòn vì kém hiểu biết và hãnh tiến. Văn hoá hẻm là một góc bình yên, lắng đọng, mảnh đất tốt cho tình người.
Paris là kinh đô của ánh sáng mà cho tới giờ người ta vẫn giữ những sạp báo lề đường, những kiốt bán sách cũ dọc sông Sein… Đó là những hình ảnh mộc mạc vô cùng nổi tiếng trên bản đồ thế giới. Vậy mà thành phố mình, nổi tiếng năng động, từ anh xích lô đến người dân bình thường sáng nào chưa đọc báo coi như chưa súc miệng, nhưng cả thành phố không có một chỗ bán báo đàng hoàng! Rồi chuyện lát gạch dày kín không còn chỗ thấm nước… rất may là khi tiếng nói của giới kiến trúc sư lọt vào tai lãnh đạo thành phố, chỉ hai tuần sau có chuyển động liền. Nhưng chuyện đó lại ẩn chứa một nguy cơ khác: một mét vuông hoa đắt hơn một mét vuông gạch, lấy tiền đâu để nuôi hoa? Lãnh đạo thành phố cần phải có cơ chế để tiếp nhận liên tục những ý kiến tham mưu của giới chuyên môn, có như vậy mới có được những ứng xử linh hoạt, văn hoá, hợp quy luật, như thế đô thị mới có động lực để sống, để bền vững. Đô thị tồn tại hàng trăm, hàng ngàn năm, nên những thuộc tính của nó chỉ được xây dựng, gìn giữ, nâng cao bằng tính hợp quy luật. Bất cứ sự áp đặt nào nếu có sẽ chỉ là kiểu “bạo phát, bạo tàn”.
KTS Nguyễn Văn Tất
(Theo SGTT)