Nằm ở vị trí đắc địa giữa Thủ đô, nhưng nhiều ngôi nhà tiền tỷ vẫn bỏ hoang, không người ở vì nhiều tin đồn kỳ bí.
Nằm ở vị trí đắc địa giữa Thủ đô, nhưng nhiều ngôi nhà tiền tỷ vẫn bỏ hoang, không người ở vì nhiều tin đồn kỳ bí.
Nhà biệt thự 3000m2 phố Kim Mã
Căn biệt thự bỏ hoang đầu tiên phải kể đến là căn nhà số 300 Kim Mã. Dù dọc theo con phố này là những ngôi nhà khang trang, sầm uất và đông đúc dân cư nhưng ngôi nhà rộng đến 3.000 m2 lại hoang phế từ nhiều thập kỷ nay.
Tòa nhà được xây nửa kiểu biệt thự, nửa kiểu nhà ở với những bức tường dày đến 40 cm, nhìn từ xa trông giống như chiếc lô cốt. Kiến trúc tòa nhà này khác xa với những ngôi nhà hiện đại xung quanh.
Bà Thái Thị Tẹo (SN 1943, ngụ ngõ 2, làng Vạn Phúc, phường Kim Mã) là người bán hàng nước gần ngôi nhà cho rằng, khu này ngày xưa là bãi tha ma. Cũng có lời đồn xưa kia đây là bệnh viện nhưng bệnh nhân nào vào đây đều không giữ được tính mạng. Nhưng người ta viện vào lời đồn đó mà cho rằng đây là “đất dữ” không làm ăn sinh sống được. Có công ty từng đến thuê làm văn phòng nhưng “không chịu được” mà một thời gian sau đều chuyển đi.
“Sau khi thuê làm văn phòng ở đó, không hiểu sao cứ sáng mở cửa là thấy bàn ghế bị xếp chồng lên rồi đến tối nghe những tiếng động lạ. Ở tầng 2 thì nghe tiếng chổi quét loạt soạt ở tầng 3, lên tầng 3 thì thấy tiếng kêu ấy ở tầng 2. Trong những buổi mưa phùn âm u còn nghe những tiếng trẻ con khóc thảm thương”, bà lão thuật lại.
Không chỉ bà Tẹo mà rất nhiều người dân xung quanh cũng kể lại không ít những câu chuyện kỳ bí xảy ra trong ngôi nhà này. Từ việc các âm hồn bị nhốt, phá phách mong siêu thoát cho đến việc nhiều người bị vong ám khi đi qua ngôi nhà này. Tuy nhiên, tất cả những lời đồn đoán này đều do từ người nọ truyền đến tai người kia.
Bác Nguyễn Văn Trung, một trong 3 người bảo vệ tòa nhà này gần chục năm nay cho biết, bác thường xuyên ngủ lại trong ngôi nhà mà không thấy có ma quỷ gì. Tất cả chỉ là lời đồn đại.
Treo đổi về vấn đề này, chính quyền phường Kim Mã cho biết, khu nhà đất này do một đại sứ quán nước ngoài tại Hà Nội sử dụng và quản lý trên cơ sở hiệp định ký kết ngày 14/12/1982. Tòa nhà này được xây dựng vào năm 1982 nhưng sau đó do khủng hoảng ở Đông Âu và sự tan rã của Liên Xô nên tòa đại sứ được chuyển sang chỗ khác. Do sự ràng buộc về Hiệp định đã ký kết nên tòa nhà không được sử dụng từ đó đến nay: “Chắc là do người ta không giải thích được vì sao giữa thủ đô nhộn nhịp, hoa lệ mà lại tồn tại một ngôi nhà to để hoang, rêu phong phủ kín nên đã viện cớ cho ma quỷ nhảm nhí để giải thích”, vị đại diện phường Kim Mã cho biết.
"Nhà ma" phố cổ
Nằm trong khu đất vàng, căn nhà số 138 phố Hàng Trống đối diện trông ra mặt hồ Gươm - vị trí thuộc hàng bậc nhất của thủ đô và kề cạnh là cả một khách sạn to lớn và những cửa hàng sang trọng. Sẽ không có gì đặc biệt nếu ngôi nhà cũ kỹ, mục nát giữa phố phường sầm uất này không gắn liền với nhiều lời đồn thổi “rợn người”.
Đã có rất nhiều câu chuyện ly kỳ và huyền bí về căn nhà này. Nhiều người kể lại rằng chủ cũ của căn nhà này đã thắt cổ tự tử trong đó, nên về sau, người nào đến thuê hoặc ở lại đây làm ăn, không bị khuynh gia bại sản thì cũng gặp tai nạn hoặc chết bất ngờ. Rồi lại có thông tin cho biết, tại ngôi nhà này, cứ vào nửa đêm ngày rằm hàng tháng, có tiếng phụ nữ kêu rên, la hét như đang bị hành hạ đau đớn lắm... và thỉnh thoảng, người ta lại nhìn thấy một người đàn bà tóc rất dài và đen, không nhìn rõ mặt hay ngồi trên nóc nhà ôm cây đa mà khóc lóc thảm thiết…
Do có quá nhiều lời đồn đại và ngôi nhà nằm giữa vị trí trung tâm nhưng quá cũ kỹ, hoang tàn làm mất mỹ quan đô thị nên chính quyền quận Hoàn Kiếm đã cho phá bỏ. Tuy nhiên, cho đến nay khu đất vẫn bỏ trống, chưa được xây dựng.
Nhà hoang giữa đường Khương Trung
Vào khoảng giữa năm 2010 Hà Nội lại rộ lên tin đồn về một ngôi nhà bỏ hoang có ma, khi có cả tiếng trẻ con khóc lẫn tiếng người cười về đêm.
Ngôi nhà nằm trên đoạn song song với đường Kim Giang kéo dài từ Nguyễn Trãi vào đến phố Định Công được xây mới, kéo dài cách đây ít lâu nên thường được gọi là đường Khương Trung mới. Nối liền các khu vực dân cư đông đúc, hàng ngày, có rất nhiều các phương tiện giao thông lưu thông trên con đường này.
Cả một con đường dài, được quy hoạch mở rộng nhưng chẳng hiểu sao ở ngay khoảng giữa đường lại tồn tại một ngôi nhà không được giải tỏa cứ nằm chềnh ềnh chắn ngang đường. Ngôi nhà rách nát, cây cối um tùm và bị biến thành một bãi tập kết rác nho nhỏ. Bên cạnh ngôi nhà là một cột điện lớn và người dân phải đi vòng lên đoạn đường đáng ra là vỉa hè sát sông Tô Lịch để tránh ngôi nhà này.
Về đêm, đoạn đi qua ngôi nhà tối mịt mùng, và một số người hay đi qua đoạn đường khẳng định đã nghe thấy tiếng trẻ con khóc và tiếng người cười sằng sặc phát ra ở đây.
Tuy nhiên, những người dân sống gần ngôi nhà này lại cho biết, không có chuyện ma quỷ ở đây, tiếng trẻ con khóc chẳng qua là tiếng mèo kêu, còn tiếng người cười nói là do một số công nhân xây dựng ở gần đó tổ chức ăn nhậu về khuya thôi. Khu vực này tối om om, lại nằm sát sông Tô Lịch nên nhiều người thần hồn nát thần tính, sợ hãi khi đi qua đây. Điều những người dân gần đấy bức xúc chỉ là do ngôi nhà nằm trên lối đi, gây cản trở, nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Nhà mặt tiền bỏ hoang trên đường Tôn Đức Thắng
Từ hơn 10 năm nay căn nhà mặt tiền số 217 (phố Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, quận Đống Đa) lại để hoang phế, và “có cho thêm tiền” cũng không ai dám vào ở.
Giữa phố xá đông đúc, tấp nập, ngôi nhà hoang lạnh lẽo đến ghê người khiến bất cứ ai ngang qua cũng không khỏi rùng mình thắc mắc. Căn nhà hoang có tổng diện tích rộng khoảng 50m2, mục nát theo thời gian.
Căn nhà bí ẩn này được xây dựng theo kiến trúc khá đơn giản: Tầng một chia làm hai nhà tách biệt nhưng đi chung cùng một cầu thang, tầng hai rộng rãi nhưng hoang tàn u ám. Phía trong ngôi nhà là vôi vữa bong tróc vương vãi tung tóe, bầu không khí tối tăm và ẩm mốc bao trùm khắp nơi khiến ai bạo gan thử bước chân vào cũng ngột ngạt. Trên tầng, hai cửa chính và cửa sổ đã mục, rơi vãi mỗi nơi một vài mảnh. Trần nhà thủng lỗ chỗ, rêu xanh mọc kín. Những đường dây điện hở toang hoác như muốn bẫy người.
Đi ngoài đường nhìn vào, người ta thấy căn nhà như một bức tranh “trêu ngươi” người qua lại. Tầng một là cánh cửa uốn im quanh năm suốt tháng. Tầng trên là ngôi nhà thâm vàng loang lổ. Cửa chính và hai cửa sổ đều đã không còn, lộ khoảng không thâm u như há hốc mồm rình bắt người. Chỉ cách một bước chân là mặt đường Tôn Đức Thắng người xe chen nhau chật cứng, giờ tan tầm suốt 15 phút chẳng nhúc nhích nổi một bước.
Duy nhất có một góc nhỏ mặt tiền căn nhà là được người ta ngăn ra vài m2 làm nơi bán quà vặt. Người bán đang mải mê thái lạp xưởng, cửa hàng này cũng có điểm lạ là khách hàng chỉ được mua mang về chứ không được ngồi lại ăn. Được hỏi về ngôi nhà anh Đặng Việt P, người cả gan dám thò chân vào gây dựng tạm cửa hàng bán bánh bộc bạch: “Ngôi nhà bị bỏ hoang hơn chục năm nay. Cũng chẳng ai dám thuê nhà”.
Nhìn ngôi nhà với mặt tiền rộng rãi, khuôn viên đất vuông vắn, lại nằm giữa trung tâm thành phố, ai cũng có thể thấy ngôi nhà rất phù hợp cho việc kinh doanh thương mại. Với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại khu vực này là khoảng 350 triệu đồng/m2. Tính sơ sơ thì ngôi nhà nếu bán cũng có giá khoảng 20 tỉ VNĐ. Hoặc nếu chỉ cho thuê địa điểm kinh doanh, hàng tháng gia chủ cũng có thể kiếm được vài chục triệu đồng. Thực tế đó khiến người ta không khỏi đặt câu hỏi: “Có bí mật gì trong đó mà không ai dám ở?”.
Khi được hỏi người bán bánh chia sẻ: “Trước đây, lâu lắm rồi đã có người tự tử ở nhà này. Tôi làm thuê ở đây được bốn năm nay nhưng chỉ dám ở lại mấy tháng đầu. Về sau này, tôi sợ quá không dám ở. Bây giờ, ban ngày thì tôi bán hàng, tối về phòng trọ thuê ở nơi khác chứ không ở lại”. Anh đắn đo một vài phút rồi nói tiếp: “Tôi không dám nói nhiều về ngôi nhà này. Bây giờ tìm một công việc mới khó khăn lắm”.
Gặng hỏi về việc sao anh không ngủ lại quầy hàng? Người bán hàng đáp: “Không hiểu sao hễ cứ đặt mình xuống giường là tôi gặp ác mộng kinh hoàng nên mới không dám ở lại”. Nhưng người thanh niên này đã mơ thấy gì? Anh một mực không nói, nhìn trước ngó sau e sợ cảm tưởng như có một “thế lực” nào đó đang núp trong vách tường nghe thấy sẽ “báo oán”. Một thanh niên với vẻ ngoài rất nam tính chẳng nhẽ lại “nhát gan” đến vậy? Anh nói: “Có trải qua mới thấy ghê rợn” rồi nhất quyết không cho biết thêm một điều gì nữa.
Tuy nhiên, trao đổi về vấn đề này UBND phường hàng Bột cho biết được biết căn nhà trước đây thuộc sở hữu của Nhà nước do Xí nghiệp kinh doanh nhà quản lý. Sau đó người dân đã mua lại nhà theo nghị định 61, căn nhà hiện thuộc quyền sở hữu của ba hộ dân, trong đó tầng 1 thuộc quyền ông Nguyễn Văn N và bà Nguyễn Thị M; còn tầng 2 thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Văn L.
Ông Vũ Đình Phương, Chủ tịch UBND phường hàng Bột chia sẻ: “Vào mùa mưa bão hàng năm, khi chính quyền đi khảo sát các tuyến phố nhận thấy ngôi nhà 217 phố Tôn Đức Thắng đã quá cũ kỹ mục nát, có thể gây tại nạn nên chúng tôi đã chỉ đạo, nhắc nhở các chủ sở hữu phải sửa chữa và tôn tạo cho đảm bảo tính mạng và của cải các hộ xung quanh cũng như người đi đường. Thế nhưng chưa thấy họ có những động thái gì và căn bản vẫn bị bỏ hoang suốt nhiều năm nay”.
Còn bà Nguyễn Hương Lan, Phó Chủ tịch UBND phường khẳng định: “Không có chuyện ma tà hay mê tín dị đoan gì ở ngôi nhà nói trên. Có thể do tranh chấp quyền lợi trong mua bán, những cá nhân đã dùng chiêu này để “dìm” giá”.
Những ngôi nhà có địa thế đẹp, giá trị hàng chục tỷ đồng trên đây đều do những lời đồn đại, thổi phồng trở nên kỳ bí. Tuy nhiên, những lời đồn đại này thường chỉ do người nọ kể lại cho người kia, ít người đã từng chứng kiến. Điều đáng nói là, những khu đất vàng giữa thủ đô này đến nay vẫn bị bỏ hoang, không có quy hoạch xây dựng hoặc cải tạo, xử lý triệt để gây mất mỹ quan đô thị và khiến không ít người dân hoang mang, lo sợ.
Mỹ Anh (TH)