Đất nền chịu lực kém, độ lún quá lớn là những khó khăn lớn trong quy hoạch khu đô thị cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP HCM. Sau 3 năm khởi động, kết nối giao thông thủy bộ khu vực vẫn còn nằm im trên giấy. Quy hoạch đô thị cũng chỉ mới là ý tưởng.
Đất nền chịu lực kém, độ lún quá lớn là những khó khăn lớn trong quy hoạch khu đô thị cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP HCM. Sau 3 năm khởi động, kết nối giao thông thủy bộ khu vực vẫn còn nằm im trên giấy. Quy hoạch đô thị cũng chỉ mới là ý tưởng.
Đối với TP HCM, khu đô thị mới cảng Hiệp Phước là một thí điểm quan trọng của mô hình xây dựng dân cư công nghiệp cảng. Trong đó người dân sẽ được góp cổ phần trên giá trị quyền sử dụng đất của mình. Dân cư cũng sẽ là công nhân cảng, với quy mô dân số khoảng 80.000-100.000 người, trong đó 50% là ngụ cư tại chỗ.
Cách trung tâm hành chính hiện hữu nửa giờ ôtô, Hiệp Phước sẽ là một đô thị cảng hiện đại thay thế cảng Sài Gòn trong tương lai, giữ vai trò tập trung và liên kết các cảng lớn trên địa bàn TP HCM. Những dự án đang triển khai ở đây là cảng container có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 50.000 tấn, cảng Sài Gòn - Hiệp Phước...
Tầm quan trọng của khu đô thị cảng Hiệp Phước khiến lãnh đạo TP HCM hết sức cẩn trọng khi lập quy hoạch vùng. Hồi cuối tháng 8, cuộc thi Ý tưởng quy hoạch tổng thể khu đô thị cảng Hiệp Phước đã được phát động, nhằm tìm hướng xây dựng tốt nhất. Theo các đơn vị tư vấn và thiết kế ý tưởng, ở Hiệp Phước hầu như cái gì cũng thiếu, từ hạ tầng cơ sở, kỹ thuật đến dân cư...
Nhiều khó khăn cho khu đô thị tương lai
Trong hội thảo cung cấp thông tin về cuộc thi Ý tưởng quy hoạch tổng thể khu đô thị cảng Hiệp Phước, diễn ra chiều 4/10, đại diện trường ĐH Kiến trúc Hà Nội lo ngại, nguy cơ san nền sẽ làm mất nhịp độ cân bằng sinh thái. Bởi lẽ, khi rừng và cây cối bị đốn hạ, vùng ngập nước này được nâng cao lên sẽ tác động mạnh đến môi trường. Độ lún quá cao của địa chất vùng Hiệp Phước nhiều khả năng cũng sẽ gây khó khăn cho quá trình thực hiện san lấp.
Đơn vị tư vấn đến từ ĐH Kiến trúc TP HCM lại đặt việc kết nối giao thông vùng lên bàn hội nghị như nhu cầu cấp thiết phải giải quyết nếu muốn phát triển vùng. Những chuyên gia Malaysia, Nhật Bản cũng đề xuất để tránh nguy cơ kẹt xe nghiêm trọng trong khu nội đô TP HCM, cần quy hoạch Hiệp Phước với giao thông thủy là huyết mạch thay vì dùng đường bộ như hiện nay.
Về địa chất, Phó trưởng phòng nghiên cứu Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam Nguyễn Thế Biên khẳng định, qua điều tra hàng chục năm, khu vực Hiệp Phước đúng là hoàn toàn ngập nước và có độ lún cao. Do đó, việc san lấp nền sẽ gây mất cân bằng sinh thái là không tránh khỏi.
Tuy nhiên, ông Biên lạc quan cho rằng, qua kinh nghiệm học tập và tư vấn của các chuyên viên nước ngoài về xây dựng cảng, Hiệp Phước vẫn có thể trở thành khu đô thị cảng với những giải pháp khoa học về san lấp nền và thoát nước hợp lý. "Nhật Bản đã làm được cảng Hokaido có địa chất rất giống Hiệp Phước. Họ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam xây dựng cảng trong tương lai", ông Biên nói.
Giải đáp những thắc mắc về tính liên kết vùng, Trưởng phòng Quản lý giao thông Sở Giao thông Công chính TP HCM, ông Bùi Xuân Cường cho biết, quy hoạch giao thông và quy hoạch đô thị đã luôn luôn được yêu cầu gắn kết chặt chẽ ngay từ những ngày đầu làm đồ án đô thị cảng này. Các trục giao thông chính như đường liên tỉnh lộ 25B, cầu Phú Mỹ, xa lộ Hà Nội, tuyến vành đai số 2, 4, trục đường Bắc Nam... là những bằng chứng về tính kết nối vùng của đô thị cảng Hiệp Phước với TP HCM.
"Chính vì cần di dời tất cả các cảng ra ngoại thành để giảm áp lực ùn tắc giao thông nên quy hoạch khu đô thị cảng Hiệp Phước mới được tiến hành từng bước như hiện nay", ông Cường cho hay. Theo ông, vì đặc thù chế độ bán nhật triều của Việt Nam (triều dâng cao nửa ngày và hạ thấp nửa ngày), nên thành phố đã không dùng giao thông thủy là kênh vận tải hành khách và hàng hóa trọng yếu.
Cuộc thi Ý tưởng quy hoạch tổng thể khu đô thị cảng Hiệp Phước chính thức được TP HCM chính thức phát động vào ngày 31/8. Hạn chót nộp bài thi là ngày 31/12. Hội đồng tuyển chọn sẽ bắt đầu chấm thi từ ngày 15/1 đến tháng 2 năm 2008. Bài dự thi đạt kết quả cao nhất sẽ được chọn làm ý tưởng quy hoạch trình UBND TP HCM phê duyệt. Tính đến ngày 4/10, đã có 8 hồ sơ dự thi, trong đó 3 đơn vị trong nước và 5 nước ngoài. |
Vũ Lê