Những ngày qua, dư luận hết sức lo lắng khi hay tin UBND tỉnh Khánh Hoà đồng ý cho Cty TNHH xây dựng và đầu tư thực hiện dự án xây dựng công viên đá, kết hợp khu giải trí Coffee Terrace trong khuôn viên danh thắng Hòn Chồng - Hòn Đỏ.
Những ngày qua, dư luận hết sức lo lắng khi hay tin UBND tỉnh Khánh Hoà đồng ý cho Cty TNHH xây dựng và đầu tư thực hiện dự án xây dựng công viên đá, kết hợp khu giải trí Coffee Terrace trong khuôn viên danh thắng Hòn Chồng - Hòn Đỏ.
Hiện lãnh đạo Sở VHTTDL Khánh Hoà đã gửi văn bản không đồng tình và đề nghị Cục Di sản văn hoá (Bộ VHTTDL) sớm can thiệp nhằm bảo vệ một danh thắng nổi tiếng bên bờ vịnh Nha Trang.
Danh thắng của danh thắng
Nhìn ra biển, Hòn Chồng - Hòn Đỏ là điểm chấm phá tuyệt đẹp giữa bức tranh thiên nhiên Nha Trang thơ mộng. Theo thời gian, thành phố mở rộng về phía bắc, tuyến đường Phạm Văn Đồng bám sát mép biển khiến mặt vịnh thu nhỏ lại, quần thể danh thắng Hòn Chồng - Hòn Đỏ bị biến dạng - nhỏ bé, khô cứng hơn giữa những giới hạn hữu hình do con người cố tình sắp đặt.
Dưới góc nhìn của những người làm công tác quản lý di tích và danh lam thắng cảnh tỉnh Khánh Hoà, Hòn Chồng - Hòn Đỏ là danh thắng của danh thắng, bởi từ năm 1998 quần thể di tích này đã được Bộ VHTT chính thức xếp hạng, nhưng đến năm 2003, sau khi gia nhập CLB Vịnh biển đẹp nhất thế giới, chính quyền thành phố mới làm hồ sơ đề nghị Bộ VHTT công nhận vịnh Nha Trang là danh thắng quốc gia.
Để những giá trị tinh thần có thể biến thành nguồn lợi, lãnh đạo chính quyền thành phố và ngành văn hoá địa phương đã chủ động khởi xướng các chương trình quảng bá du lịch kết hợp với phát triển KTXH và tổ chức mạng lưới dịch vụ theo hướng hiện đại hoá.
Nhân sự kiện Festival biển 2005 và hội nghị toàn thể CLB các vịnh biển thế giới tổ chức tại Nha Trang (tháng 4/2005), UBND tỉnh Khánh Hoà đã quyết định xây dựng hội quán vịnh Nha Trang trong khuôn viên danh thắng Hòn Chồng – Hòn Đỏ.
Dẫu rằng, những người thiết kế, thi công hội quán đã cố né tránh sự va đập quá thô bạo đối với thiên nhiên bằng giải pháp phục dựng, sắp xếp lại 7-8 ngôi nhà cổ để hình thành quần thể kiến trúc mới, tuy nhiên người đời vẫn chưa thôi tiếc nuối, bởi chưng không gian danh thắng biến đổi, không ai tìm thấy “hồn vía” Hòn Chồng.
Núp bóng “xã hội hoá”
Tuyến giao thông mới mở từ đường Phạm Văn Đồng lên cầu vượt nối với QL1A, ngang qua hội quán Hòn Chồng, đem đến nhiều tiện lợi cho du khách; đồng thời chia cắt thế đất, tạo nên một vị trí đắc địa.
Năm 2007, tại vị trí “mặt tiền” này, Sở VHTTDL tỉnh Khánh Hoà đã tổ chức thành công trại sáng tác điêu khắc toàn quốc và sau đó UBND tỉnh Khánh Hoà cho phép Sở VHTTDL làm chủ đầu tư dự án xây dựng công viên đá nhằm tôn tạo cảnh quan danh thắng Hòn Chồng.
Năm 2009, Sở VHTTDL Khánh Hoà trình báo cáo kỹ thuật dự án công viên đá, dự kiến tổng giá trị đầu tư khoảng 2,4 tỉ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách. Đặc biệt, công trình sau khi hoàn thành sẽ là địa chỉ thường xuyên tổ chức trại sáng tác điêu khắc quốc gia và quốc tế.
Đáng tiếc, ý tưởng kiến trúc nên thơ của ngành văn hoá phải tạm gác để chờ nguồn vốn “xã hội hoá”. Vì khá nhiều lý do, tháng 3/2011, UBND tỉnh Khánh Hoà đã có văn bản cho phép Cty TNHH xây dựng và đầu tư lập dự án công viên đá kết hợp với xây dựng “khu giải trí”, thực chất là quán càphê sân thượng, kết hợp với kinh doanh các mặt hàng lưu niệm và đặc sản...
GĐ Sở VHTTDL Trương Đăng Tuyến đã gửi văn bản “phản hồi”, nêu rõ: “Tổng mức đầu tư cho công viên đá không lớn (2,4 tỉ đồng) để phải kêu gọi “xã hội hoá” nguồn vốn. Hơn nữa, dự án nằm trong khu vực bảo vệ danh thắng quốc gia Hòn Chồng - Hòn Đỏ, nên phải chịu điều chỉnh bởi các quy định của Luật Di sản văn hoá. Nếu tiến hành xã hội hoá thì sẽ phụ thuộc nhà đầu tư...”.
Theo thiết kế kỹ thuật của Cty TNHH xây dựng và đầu tư, khu giải trí Coffee Terrace là một toà nhà bêtông, khai thác cả tầng hầm, tổng diện tích sử dụng khoảng 1.000m2. Mật độ xây dựng cao, tỉ lệ đất dành cho cây cỏ không đáng kể và hoàn toàn không thể sử dụng để tổ chức các hoạt động phục vụ lễ hội hay trại sáng tác điêu khắc.
Ông Tuyến cho biết thêm: “Sở VHTTDL đã gửi văn bản xin ý kiến Cục Di sản văn hoá và thể hiện rõ quan điểm không đồng tình. Nếu UBND tỉnh vẫn không thay đổi chủ trương “xã hội hoá”, thì nhà đầu tư phải thay đổi thiết kế kỹ thuật. Quan điểm của tôi là tỉnh nên sử dụng nguồn thu phí tham quan di tích Tháp Bà và danh thắng Hòn Chồng (chỉ 2 năm là đủ) để xây dựng công trình”.
(Theo Lao Động)