Tình trạng các doanh nghiệp nợ đọng tiền sử dụng đất không chỉ gây áp lực lớn cho ngân sách, mà còn khiến khách hàng mua nhà gặp rủi ro do chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Trước thực trạng này, UBND TP Hà Nội đã phát đi thông điệp, nếu đơn vị nào không trả nợ, cơ quan chức năng sẽ cưỡng chế, dừng thi công và không cấp phép thêm dự án mới.
Tổ hợp thương mại - dịch vụ và căn hộ cao cấp của Công ty CP Đầu tư Hải Phát
còn nợ tiền sử dụng đất 467 tỷ đồng.
Nhà đã bán, tiền đất vẫn nợ
Theo Cục Thuế TP Hà Nội, có 14 chủ đầu tư dự án còn nợ tiền sử dụng đất, với số tiền 3.242 tỷ đồng. Trong đó, chỉ 9 dự án có khả năng thu, với số nợ 1.565 tỷ đồng; 5 dự án chủ đầu tư có đề xuất tháo gỡ khó khăn, số tiền 1.677 tỷ đồng. Trong 9 dự án có khả năng thu, 3 dự án nợ dưới 90 ngày, chưa đến thời hạn cưỡng chế tài khoản, gồm: Trung tâm thương mại - văn phòng và nhà ở Trung Hòa của Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển công nghệ cao, nợ 106 tỷ đồng; Tổ hợp thương mại - dịch vụ và căn hộ cao cấp của Công ty CP Đầu tư Hải Phát, nợ 467 tỷ đồng; khu nhà ở cao tầng - văn phòng và nhà ở tại 89 Thịnh Liệt của Công ty TNHH Cầu 1 Thăng Long, nợ 131 tỷ đồng.
Năm dự án nợ đọng trên 90 ngày có khu nhà ở để bán và văn phòng cho thuê, gồm: Dự án tại phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) của Tổng công ty Thành An, nợ 252 tỷ đồng; tòa nhà hỗn hợp AZ Sky của Công ty TNHH Đá quý thế giới, nợ 99 tỷ đồng; khu chức năng đô thị Đại Mỗ của Công ty CP Đầu tư địa ốc ALASKA, nợ 240 tỷ đồng... Với những đơn vị này, Cục Thuế TP Hà Nội đã cưỡng chế tài khoản và hóa đơn theo quy định.
Ông Nguyễn Thế Mạnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, kiêm Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, trong số 14 dự án đang nợ tiền sử dụng đất, có cả dự án đã hoàn thành, bán hàng, nhưng vẫn không thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, điển hình là: Trung tâm thương mại văn phòng và nhà ở tại Trung Hòa của Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển công nghệ cao; công trình hỗn hợp PANDORA của Công ty TNHH Liên doanh ô tô Hòa Bình; khu nhà ở cao tầng HANOVID tại 430 Cầu Am, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông của Công ty CP Bất động sản HANOVID… Dự án nợ tiền sử dụng đất không chỉ ảnh hưởng đến việc thu ngân sách nhà nước, mà còn mang lại rủi ro pháp lý cho khách hàng mua nhà.
Dừng thi công các dự án nợ đọng
Tại cuộc họp giữa UBND thành phố, đại diện các sở, ngành và những đơn vị nợ đọng tiền sử dụng đất mới đây, hầu hết các chủ đầu tư đều cam kết với UBND TP Hà Nội chậm nhất trước ngày 30-4 sẽ hoàn tất việc trả nợ. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đã yêu cầu các đơn vị phải thực hiện nghiêm cam kết về thời hạn trả nợ tiền sử dụng đất. Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện có dự án nợ tiền sử dụng đất có trách nhiệm giám sát chặt chẽ. Đơn vị nào không nộp tiền nợ như cam kết, thành phố sẽ cưỡng chế, ngừng thi công, kiên quyết không cấp phép dự án mới.
Ngay sau khi UBND thành phố làm việc với các doanh nghiệp (DN) nợ tiền sử dụng đất, tính đến giữa tháng 4, 14 DN trên đã nộp vào ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng. Cục Thuế đang phối hợp với các sở, ngành liên quan đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết. Nếu DN không thực hiện, cơ quan chức năng sẽ tiến hành các biện pháp cưỡng chế theo quy định.
Nhận xét về việc các chủ đầu tư nợ đọng tiền sử dụng đất, luật sư Trần Thị Ngọc, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hiện tượng một số chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, nhưng vẫn mở bán, bàn giao căn hộ cho khách hàng đã xuất hiện từ lâu và khá phổ biến. Theo quy định hiện hành, khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, gắn với chuyển nhượng dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở, chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai, bao gồm: Thuế, tiền sử dụng đất, thuế, phí, lệ phí có liên quan đến đất đai. Do vậy, chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính không được bán căn hộ.
Về những rủi ro mà khách hàng gặp phải khi mua nhà tại những dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, Luật sư Trần Thị Ngọc cho biết, khách hàng có nguy cơ không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Để hạn chế rủi ro, người mua nhà nên tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, chủ đầu tư. Hiện, thông tin về DN nợ thuế, tiền sử dụng đất được cơ quan thuế công khai trên cổng thông tin điện tử, người mua nhà, đất có thể dễ dàng tham khảo trước khi quyết định chọn dự án.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trường hợp người mua nhà đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư, và khi mua cơ quan quản lý chưa có kết luận sai phạm của chủ đầu tư thì thành phố vẫn xem xét cấp "sổ đỏ" để bảo đảm quyền lợi khách hàng. Việc xử lý chủ đầu tư vi phạm trật tự xây dựng, nợ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước... sẽ được tách riêng để không ảnh hưởng đến tiến độ cấp "sổ đỏ".
Tuy nhiên, cơ quan quản lý sẽ phân loại: Trường hợp đã có khuyến cáo, có kết luận của cơ quan chức năng mà vẫn mua thì không thể "chạy theo" để giải quyết. Hiện danh sách đơn vị nợ thuế, phí, tiền sử dụng đất được Cục Thuế Hà Nội công khai theo từng đợt trên Cổng thông tin Cục Thuế TP Hà Nội, địa chỉ: hanoi.gdt.gov.vn và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
|