Hệ thống biển hiệu giao thông đang trong quá trình chỉnh sửa song các biển phụ, biển chỉ dẫn vẫn vừa thiếu lại vừa không được viết thêm bằng tiếng Anh
Hệ thống biển hiệu giao thông đang trong quá trình chỉnh sửa cho phù hợp với quốc tế, thì việc các biển phụ, biển chỉ dẫn vừa thiếu lại vừa không được viết thêm bằng tiếng Anh đã khiến cho du khách trong và ngoài nước đến thành phố Đà Nẵng rất lúng túng.
Muốn đi thì phải hỏi
Chị Ngô Thị Hồng Lợi (Việt kiều Pháp) trong chuyến cùng chồng là người Pháp về thăm quê nhân dịp 29/3/2012 đã kể lại câu chuyện mình bị “quê” trước chồng: “Đã vài lần cùng cha về thăm Đà Nẵng nên tôi khá tự tin khi đưa chồng mới cưới về thăm quê. Thế nhưng khi vừa xuống Sân bay Đà Nẵng, tôi đã lúng túng ngay vì vốn tiếng Việt chỉ nói được chút ít, còn đọc và viết thì không được, trong khi tại sân bay không hề có một bảng chỉ dẫn nào để đến được danh thắng Ngũ Hành Sơn. Trong lúc tôi cố dùng vốn tiếng Việt ít ỏi của mình để xác định danh thắng Ngũ Hành Sơn ở hướng nào giới thiệu với chồng, thì chồng tôi thốt lên “Sao kỳ vậy, ở sân bay mà không có bảng chỉ dẫn đến địa điểm du lịch nổi tiếng của thành phố?”. Ngày hôm sau đưa chồng đi chơi bằng xe máy, đến đoạn đổ dốc cầu Sông Hàn, tôi lại thêm một phen lúng túng, suýt bị mấy xe ở phía sau thúc tới do dừng lại giữa cầu khi thấy đèn đỏ, trong khi có nhiều người vẫn quẹo phải đi xuống đường Bạch Đằng. Lỗi là do tôi không đọc được chữ ở đây” (đèn đỏ được quẹo phải - PV). Chị Hồng Lợi đề xuất ngoài chữ tiếng Việt, nên thêm câu tiếng Anh sẽ thuận tiện cho người nước ngoài hơn.
Câu chuyện như của chị Lợi khá phổ biến không chỉ đối với người nước ngoài mà cả du khách trong nước cũng gặp cảnh tương tự. Anh Lê Hồng Quang, trưởng nhóm du lịch bằng xe đạp của Công ty Du lịch Khám phá (TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Đoàn chúng tôi có 20 sinh viên các trường ĐH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh thực hiện chuyến du lịch về thăm quê Bác. Hành trình đi từ ga Sài Gòn đến ga Đà Nẵng bằng tàu lửa, sau đó đi bằng xe đạp ra Vinh. Thế nhưng khi rời ga Đà Nẵng, chúng tôi tìm mãi vẫn không thấy biển chỉ dẫn nào để đi ra Huế, cuối cùng đành phải hỏi đường mấy anh xe ôm”. Theo anh Quang, ở những vị trí giao thông quan trọng như bến xe, nhà ga, hay sân bay nên có biển chỉ dẫn về giao thông để mọi người có thể tự đi thay vì phải hỏi người dân địa phương.
Đà Nẵng nói riêng và các thành phố trên cả nước nói chung đang rơi vào tình trạng hệ thống biển giao thông chưa được “quốc tế hóa”, lại vừa thiếu bảng chỉ dẫn phụ, biển chỉ dẫn du lịch khiến cho người từ các địa phương khác đến gặp nhiều khó khăn. Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, ngoài tuyến đường xuyên Á có hệ thống biển hiệu giao thông được sử dụng theo mẫu quốc tế, còn có nhiều bảng chỉ dẫn phụ được viết bằng tiếng Anh, các biển hiệu giao thông còn lại đều “chênh” với các nước trong khu vực.
Cần có thêm biển chỉ dẫn song ngữ Việt - Anh
Trước tình trạng này, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở GTVT tiến hành lắp đặt hệ thống biển chỉ dẫn du lịch bằng 2 thứ tiếng Việt và Anh. Mới đây, hai đơn vị này đã trình UBND thành phố danh sách 23 vị trí cần phải gắn biển chỉ dẫn du lịch bằng 2 thứ tiếng, cũng như những vị trí đã được gắn biển nhưng thiếu thông tin cần phải bổ sung. Tuy nhiên, các biển chỉ dẫn này chủ yếu chỉ đường cho du khách đến các khu du lịch nổi tiếng của thành phố như Bà Nà - Suối Mơ, đèo Hải Vân, các bãi biển nổi tiếng của thành phố, còn biển chỉ dẫn giao thông bình thường chưa có.
Giải thích vấn đề này, Sở GTVT cho rằng vị trí gắn biển chỉ dẫn như vậy chưa nhiều và chưa mang tính liên tục để giúp du khách dễ dàng tìm đến các điểm du lịch. Tuy nhiên hiện nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam mới hoàn thành chỉnh sửa hệ thống biển hiệu giao thông cho phù hợp với các nước trong khu vực Đông Nam Á, vì vậy, trước mắt chỉ gắn biển chỉ dẫn cho du khách đến các điểm du lịch nổi tiếng của thành phố. Còn tương lai, để hệ thống biển giao thông, biển chỉ dẫn du lịch thực sự giúp cho du khách thuận tiện trong việc đi lại thì phải chờ thay đổi biển hiệu giao thông được triển khai đồng bộ trên cả nước.
Như vậy, việc gỡ rối cho du khách cũng chỉ thực hiện được một nửa, còn lại vẫn phải... chờ.
(Theo Baodanang)