Tại Hà Nội, vẫn còn tồn tại phổ biến tình trạng nhà không số, phố không tên hoặc một căn nhà có tới 2-3 địa chỉ: địa chỉ cũ trước khi làm đường, đặt tên phố; địa chỉ sau khi cấp mới; thậm chí có cả địa chỉ do người dân tự... nghĩ ra và... tự làm, tự treo biển số nhà khiến nhiều người tìm không ra.
Tại Hà Nội, vẫn còn tồn tại phổ biến tình trạng nhà không số, phố không tên hoặc một căn nhà có tới 2-3 địa chỉ: địa chỉ cũ trước khi làm đường, đặt tên phố; địa chỉ sau khi cấp mới; thậm chí có cả địa chỉ do người dân tự... nghĩ ra và... tự làm, tự treo biển số nhà khiến nhiều người tìm không ra.
Để tránh tình trạng này, Công ty Dolsoft vừa đưa ra dự án “mã nhà”. Mỗi căn nhà ngoài số nhà hiện hữu sẽ được cấp thêm một “mã nhà” hỗ trợ cho tìm kiếm được dễ dàng hơn.
1001... kiểu số nhà, tên phố
Phố Nguyễn Quý Đức (phường Thanh Xuân Bắc, Q. Thanh Xuân, Hà Nội) đi vào hoạt động từ năm 2007 nhưng hầu hết các căn nhà ở đây vẫn chưa có số nhà. Lần theo địa chỉ ghi trên tấm danh thiếp của chủ một Cty TNHH có địa chỉ số 1, Nguyễn Quý Đức tìm “đỏ mắt” cũng không thấy. Tại đây, có tới 3 cửa hàng: tạp hoá, quần áo thời trang, nhà thuốc... tranh nhau địa chỉ này. Gọi điện theo số điện thoại ghi trên tấm thiếp, người của công ty này chỉ dẫn vào khu nhà tập thể nhưng vẫn thuộc đường Nguyễn Quý Đức.
Nguyên nhân về sự lộn xộn của số nhà thuộc tuyến phố này là do số nhà ở đây chưa được quy hoạch cấp lại từ khi sửa chữa đường nên vẫn tồn tại kiểu đánh số theo số nhà của một dãy nhà tập thể hoặc theo số kiốt (vì trước đây, phố này là một cái chợ cóc mới giải toả) hoặc số nhà do người dân tự “sáng tác” nên mới tồn tại kiểu... có tới 3-4 số nhà đều chung một địa chỉ. Tình trạng này diễn ra tương tự tại nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội. Cụ thể như trên đường Hoàng Quốc Việt có tới 4 căn nhà gắn số 99. Có hai địa chỉ gắn biển số 99 cách nhau tới... 3 km. Đó là địa chỉ của cửa hàng đồ gỗ hàng hiệu Hoa Kỳ, còn địa chỉ kia là Phòng giao dịch số 2, chi nhánh Hoàng Quốc Việt của Ngân hàng Agribank.
Việc tìm số nhà ở những con phố mới thì càng rắc rối và khó khăn hơn. Tuyến phố Lê Văn Lương chẳng hạn, cùng một dãy liền kề nhưng số to đứng cạnh số nhỏ, số chẵn chen vào số lẻ. Số 11 đến số 19, 45, 20, 18, 61 và rồi lại... 18. Nhìn thấy số 19, “nhảy” luôn sang 27, rồi lại quay về 21, 23... Theo đường Nguyễn Thị Định rẽ vào Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, có những ngôi nhà được gắn 2-3 biển số nhà.
Cả dãy phố mới khang trang nhưng số nhà “nhảy” loạn xạ từ 33-16-35-15... khiến nhiều người dân khó lòng tìm được địa chỉ mình muốn tìm. TS Đinh Tiến Sơn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, phụ trách kỹ thuật của Công ty phần mềm Dolsoft, chuyên ngành Thông tin Địa lý (GIS) nhận xét, phương pháp đánh số nhà hiện nay về mặt cơ bản được xây dựng trên tình trạng, trật tự xây dựng cũng như thứ tự của các căn nhà trên dãy phố. Trong khi hầu hết các đô thị Việt Nam đang diễn ra quá trình xây dựng và mở rộng lớn nên quá trình này ảnh hưởng đến tính nhất quán của hệ thống số nhà.
Dự án “Mã nhà” hỗ trợ cho tìm kiếm số nhà
Đây là một giải pháp nên được phân tích, suy nghĩ và lấy ý kiến người dân để có thể biến thành lời giải cho bài toán số nhà. Giải pháp mã nhà là mỗi căn nhà ngoài số nhà hiện hữu sẽ được cấp thêm một “mã nhà” hỗ trợ cho tìm kiếm. Mã của mỗi căn nhà được xây dựng dựa vào khoảng cách từ đầu đường (nơi bắt đầu đánh số) đến mép gần nhất của các ngôi nhà trên đường. Vì con đường là bất di bất dịch, ít khi bị chia lại, nên tính ổn định của mã nhà sẽ rất cao.
Theo quy ước thông thường, đi từ đầu đường đến cuối đường thì bên phải là mã chẵn, bên trái là mã lẻ giống như số nhà. Nhà bên chẵn có mép phải cách đầu đường bao nhiêu mét thì mã nhà sẽ là số chẵn gần nhất với khoảng cách đó. Ví dụ: ngôi nhà bên chẵn có mép phải cách đầu đường 355,43m sẽ có mã nhà là 356. Tương tự, nhà bên lẻ là một số lẻ gần nhất với khoảng cách từ đầu đường đến mép trái nhà. Ví dụ: căn nhà bên lẻ có mép trái nhà cách đầu đường 366,53m sẽ có mã nhà là 367. Theo phương pháp này, các hẻm cũng được cho mã như nhà, căn cứ theo mép hẻm gần đầu đường nhất, và cũng theo chẵn - lẻ. Hẻm đường Nguyễn Văn Trỗi bên mã chẵn có khoảng cách từ đầu đường đến giao lộ giữa đầu hẻm với đường Nguyễn Văn Trỗi sẽ là 841,13 mét sẽ có mã hẻm là 842 - tức hẻm 842 Nguyễn Văn Trỗi. Nhà bên trong hẻm cũng được mã hóa theo cách trên, tính từ đầu hẻm.
Tiến sĩ Đinh Tiến Sơn phân tích, với phương pháp đánh mã này, các nhà gần nhau và đối diện nhau có mã nhà gần nhau, mã nhà sẽ được đảm bảo tính duy nhất và tăng dần từ đầu đường đến cuối đường, bất chấp có biến động về xây cất nhà. Phương pháp này còn có ưu điểm là chỉ nhìn vào mã, có thể biết gần chính xác khoảng cách từ đầu đường hoặc từ vị trí đang đứng đến ngôi nhà cần tìm.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra và cần phải cân nhắc, đó là việc nếu thay đổi số nhà thành mã nhà, sẽ kéo theo hàng loạt những thay đổi khác về mặt quản lý nhà nước như hộ khẩu, chứng minh nhân dân...
Do đó, theo ý kiến của TS Đinh Tiến Sơn, mã nhà chỉ nên được cấp và sử dụng như một công cụ hỗ trợ cho các hoạt động dân sự và quản lý hành chính. Chỉ sau khi sử dụng một thời gian, mã nhà mới có thể được đưa vào các văn bản hành chính để hỗ trợ quản lý nhà nước và các hoạt động xã hội.
(Theo Văn hóa)