Dù phải thông xe vào năm 2014, nhưng cho đến nay tuyến cao tốc thuộc loại hiện đại nhất Việt Nam này vẫn khó khăn bộn bề và gần như tất cả các gói thầu đều chưa đạt yêu cầu.
Dù phải thông xe vào năm 2014, nhưng cho đến nay tuyến cao tốc thuộc loại hiện đại nhất Việt Nam này vẫn khó khăn bộn bề và gần như tất cả các gói thầu đều chưa đạt yêu cầu.
Theo Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính VN (Vidifi) - chủ đầu tư dự án, hiện 9 trên tổng số 10 gói thầu xây lắp của tuyến đường đã triển khai xây dựng. Phải đến đầu quý III/2012, gói thầu cuối cùng mới có thể hoàn tất công tác lựa chọn nhà thầu và khởi công. Mặc dù gói thầu đầu tiên đã được động thổ từ năm 2008 nhưng tính đến nay, tiến độ thực hiện trên thực tế của toàn dự án mới đạt chưa đầy 15%. Trong đó, nhiều gói thầu rất chậm như EX4, 5, 6 mới đạt khoảng 3- 4%.
Tại hội nghị đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng một số dự án có sự tham gia của nhà thầu nước ngoài, lãnh đạo Vidifi cho biết, dự án đang phải đối mặt với nhiều khó khăn bộn bề. Trước hết là việc nhiều gói thầu sau khi ký hợp đồng triển khai thực hiện phải điều chỉnh thiết kế kỹ thuật. Việc điều chỉnh này kéo theo rất nhiều thủ tục liên quan như phê duyệt, điều chỉnh hợp đồng, khối lượng, đơn giá,... dẫn đến tiến độ bị ảnh hưởng.
Công tác GPMB dự án vẫn còn nhiều vướng mắc. Hiện tại, tuyến đường vẫn còn nhiều điểm vướng mặt bằng chưa được giải tỏa, khiến các nhà thầu không thể thi công liền mạch, liên tục. Chủ đầu tư Vidifi và các địa phương phấn đấu hoàn thành công tác GPMB trong tháng 6/2012, tuy nhiên đây là việc gần như không khả thi bởi khối lượng mặt bằng còn lại khá nhiều.
Một khó khăn rất lớn nữa đối với tuyến cao tốc này là nguồn cung ứng vật liệu. Với nhu cầu khối lượng trên 30 triệu m3 cát, đá, đất, đặc biệt trong giai đoạn nước rút đẩy nhanh tiến độ, thì để cung cấp đủ vật liệu cho toàn dự án là việc không hề giản đơn. Nhiều thời điểm các nhà thầu không có đủ vật liệu để thi công, khiến tiến độ công trình bị chậm nghiêm trọng.
Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng còn đang gặp khó khăn trong chính nội tại các nhà thầu. Do tuyến đường có cùng lúc nhiều nhà thầu phụ thi công nên việc quản lý tiến độ hết sức nan giải. Hơn nữa, một số nhà thầu phụ năng lực kém, không huy động đủ nguồn vốn và thiết bị, máy móc theo cam kết ban đầu đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ công trình.
Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được triển khai xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/h, gồm 6 làn xe chính, 2 làn dừng khẩn cấp và được thu phí khép kín. Phạm vi GPMB là 100m chiều rộng, trong đó mặt cắt ngang đường chính tuyến rộng 33m, mặt cắt ngang nền đường bình quân là 50m.
Tổng chiều dài toàn tuyến là 105,5km. Dự án được khởi công năm 2008 theo hình thức BOT với nhiều cơ chế thí điểm. Ngân hàng phát triển VN (VDB) được phép dùng vốn huy động dài hạn và một phần vốn điều lệ để góp 76,8% vốn điều lệ của VIDIFI và thu xếp vốn cho đơn vị này vay để thực hiện tuyến đường. Trong thời hạn 5 năm (đến 2015) sẽ cơ cấu lại theo hướng giảm xuống tỷ trọng vốn của VDB tại VIDIFI.
|
> Hà Nội: Tiếp tục khởi công tuyến đường ‘đắt nhất hành tinh
> Ðẩy nhanh tiến độ thi công đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai
> Cần Thơ khánh thành đường nghìn tỷ
(Theo GTVT)