Theo ông Đào Văn Ơn, để đào công trình này người Nhật đã huy động hàng nghìn người khiêng đất từ trong hầm ra đổ thẳng xuống triền núi.
> Khám phá đường hầm bí mật cung Nam Phương hoàng hậu
Theo ông Đào Văn Ơn, để đào công trình này người Nhật đã huy động hàng nghìn người dùng hai khúc cây đính cái thúng ở giữa làm cáng, khiêng đất từ trong hầm ra đổ thẳng xuống triền núi.
Rất ít người Việt sống ở Đà Lạt (Lâm Đồng) trước năm 1945 và phần lớn đã qua đời nên các nhân chứng biết về đường hầm dưới cung Nam Phương hoàng hậu rất hiếm. Người dường như duy nhất chứng kiến những ngày xa xưa là ông Đào Văn Ơn, sinh năm 1928, coi trai cụ Đào Thúc, người nổi tiếng Đà Lạt vào thập niên 40 của thế kỷ 20 vì nuôi rất nhiều ngựa.
Ông Ơn kể lại, cha ông đến sống dưới chân núi sau lưng cung Nam Phương hoàng hậu từ năm 1928. Năm ấy ông Ơn được sinh ra ngay dưới chân núi này. Thập niên 30 của thế kỷ 20, trong những chuyến đi săn quy mô của vua Bảo Đại thì bầy ngựa của thân phụ ông đôi lần được cựu hoàng thuê. Hiện mảnh đất của cụ Thúc do cháu gái nội là chị Nga My (con gái ông Ơn) sinh sống.
Theo ông Ơn, lúc người ta đào đường hầm ở cung Nam Phương hoàng hậu thì ông đã có nhận biết, đứng từ nhà nhìn lên đỉnh núi thấy rõ cửa miệng hầm ở lô đất số 5 Bis hiện nay. Miệng hầm này lúc đó nằm giữa hai dinh thự, một là cung Nam Phương hay còn gọi là Dinh Nguyễn Hữu Hào (nhạc phụ của vua Bảo Đại và là đại điện chủ xứ Gò Công lúc bấy giờ). Bên phải miệng hầm là dinh thự của Chú Hỏa, thương nhân người Hoa giàu bậc nhất vùng Sài Gòn - Chợ Lớn vào thời đó.
Thời gian đào hầm không lâu lắm vì đường hầm này do người Nhật xây dựng chỉ trong giai đoạn Nhật đảo chính Pháp, sau đó không lâu thì Nhật thua trận nên rút về nước. Nhân công đào đường hầm có cả nghìn người, chia làm nhiều vị trí miệng hầm, từ đó đào sâu vào bên trong. Nhật đã sử dụng tù binh để đào đường hầm nên người lao động rất nhiều màu da.
Đứng từ nhà, cậu bé Ơn khi đó nhìn lên đỉnh đồi thấy lực lượng nhân công chuyền và đổ đất trong hầm ra hoàn toàn cáng bằng tay, hai khúc cây song song với hai người, ở giữa là thúng đựng đất. Đất đào được người Nhật cho đổ trực tiếp xuống các triền núi phía dưới, trắng xóa cả mấy ngọn đồi nơi có đường hầm. Khối lượng đất cát khổng lồ này sau đó trôi xuống các khe suối hạ lưu, cỏ cây mọc che lấp.
"Nếu khai quật lớp đất mặt dọc các triền núi ở những vị trí có hầm chắc chắn vẫn dễ nhận ra loại đất trắng pha cát từ trong lòng đường hầm này", cụ Ơn quả quyết.
Cụ cho biết, lúc Nhật thua trận thế chiến thứ hai phải rút về nước, trong thời gian giao thời chưa ai quản lý, người dân xung quanh đã đến đường hầm chơi. Ông lúc đó cùng với nhiều người đã vào miệng đường hầm gần cung Nam Phương và đi ngược lên tới Dinh I. Nhiều đoạn đường hầm rất rộng, người Nhật đã chạy xe trong đó, loại xe quân sự 4 bánh kích cỡ nhỏ hơn xe Jeep của Mỹ một chút.
Toàn bộ đường hầm được Nhật cho kè ván rất kiên cố để chống sạt lở, có lẽ đào đến đâu họ kè ván đến đó. Nhưng sau khi Nhật rút, người dân đã vào hầm tháo ván về làm nhà, ván dày tới 4 cm. Nhà ông lúc đó cũng lấy ván về. "Đường hầm này có rất nhiều cửa nhưng ngày nay đã bị người dân bít lại để xây nhà. Dọc đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn, đường dẫn lên Dinh II (Dinh toàn quyền Đông Dương) cũng có tới 3 cửa hầm dẫn vào đường hầm chính", cụ Ơn nói.
Theo ông Phan Đảo, 82 tuổi, nhà gần cửa đường hầm bí mật ở đường Yên Thế - Đà Lạt, năm 1976 ông là cán bộ của Bộ Lâm nghiệp được điều động tăng cường cho Ty lâm nghiệp Lâm Đồng. Cơ quan ông đóng trên đường Yên Thế, sát bên những cửa hầm. Lúc mới về Ty Lâm nghiệp ông nghe một số anh em nói ở đây có đường hầm bí mật được đào từ thời Pháp thuộc, có mấy cửa nằm xung quanh khu vực cơ quan nhưng chưa ai dám chui vào.
Năm 1977, ông Đảo rủ thêm một người địa phương cùng chui vào đường hầm, lúc đó ông chọn cửa hầm đối diện nhà số 4 Yên Thế để vào (cửa hầm này hiện đã bị người dân xây nhà bít lại). Từ miệng hầm này muốn vào trong thì phải đi xuống dốc cả chục mét, tức hầm đoạn này được âm xuống lòng đất rất sâu. Vào trong khoảng 20 m thì có một đường hầm chạy dọc theo hướng đỉnh đồi cung Nam Phương về chân dốc nga ba Trại Hầm dẫn lên đồi Dinh I gần đó.
Ông Đảo nói rằng đoạn hầm nằm dưới lòng đất của Ty lâm nghiệp và cơ quan Định canh - Định cư lúc đó rất rộng, chiều ngang trên 4 m, chiều cao trên 3 m, ôtô có thể chạy được. Nền hầm được lót đá chẻ rất kiên cố, đỉnh và vách đường hầm thì vẫn bằng đất không hề gia cố bê tông.
Quan sát của ông Đảo lúc đó, ở đoạn hầm rộng này cứ một quãng là có một cái ngách lỏm sâu vào khoảng một mét và được lót bằng đá chẻ. Lần xuống khám phá đường hầm năm 1977 ông chỉ dám đi đoạn hầm rộng có lót đá. Hai đầu đoạn hầm này chạy dọc từ hướng Dinh Nam Phương xuống nga ba Trại Hầm là đường hầm nhỏ, rộng chỉ khoảng 2 m và nền không lót đá nên không dám đi.
Năm 1987 ông Đảo thêm một lần xuống miệng hầm đối diện nhà số 4 Yên Thế đi sâu vào trong và ra được miệng hầm ở lô đất 5 Bis hiện nay. Hai miệng hầm này cách nhau gần 200 m nhưng hiện tại không thể đi thông được vì đất sập.
Từ trước tới nay nhiều người cho rằng đường hầm Đà Lạt còn nhiều bí ẩn. Nhưng theo lời ông Ơn thì người Nhật đã làm hầm rất công khai.
(Theo VnExpress)