Dự án đường Vành đai 2,5, đoạn Đầm Hồng - QL1A, đi qua địa bàn quận Hoàng Mai đang gặp rất nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng (GPMB). Nếu không kịp thời tháo gỡ, việc thi công đoạn tuyến sẽ còn kéo dài rất lâu, gây ảnh hưởng chung đến tiến độ toàn dự án.
Người dân băn khoăn
Dự án đường Vành đai 2,5, đoạn Đầm Hồng - QL1A đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch từ năm 2002, quyết định GPMB từ năm 2010. Tổng diện tích đất thu hồi 67.125m2, trong đó riêng quận Hoàng Mai là 54.411m2 (phường Định Công: 51.333m2, phường Thịnh Liệt: 7.079m2); Tương ứng có 557 hộ gia đình với đủ loại công trình, nhà ở, đất đai nằm trong diện di dời, nhưng đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa thể xác định rõ nguồn gốc.
Thi công ì ạch trên đoạn tuyến Đầm Hồng - QL1A, Vành đai 2,5.
Ảnh: Minh Tường
Phó Giám đốc Chi nhánh phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai Nguyễn Thiết Cương cho hay, đất ở của các hộ dân nằm trong diện GPMB đa phần là đất nông nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng, nhưng cũng có cả nhà tập thể do cơ quan phân cho, hoặc mua đi bán lại, hoặc tự ý xây dựng, cực kỳ phức tạp.
Điều quan trọng nhất là đa phần người dân phản ứng rất dữ dội với quyết định GPMB và mức bồi thường hỗ trợ. Riêng các hộ dân trên địa bàn phường Thịnh Liệt đang cực lực phản đối vì trong các văn bản pháp luật liên quan đến dự án không có tên phường Thịnh Liệt.
Giải thích về việc này, ông Nguyễn Thiết Cương cho biết: “Do khi đo đạc, khảo sát hiện trạng lập dự án, cán bộ địa chính tưởng rằng phần đất đó thuộc địa bàn phường Định Công dẫn đến thiếu sót”.
Ông Vũ Khắc Mẫn - Tổ 48, phường Định Công cho rằng, quy hoạch đã bị thay đổi, người dân chưa từng nhận được hồ sơ nào liên quan đến quy hoạch làm đường từ phía cơ quan chức năng nên không chấp nhận giải tỏa.
Một vấn đề khác, do nguồn gốc đất không rõ ràng nên đa phần các hộ dân chỉ được bồi thường, hỗ trợ theo định mức đất nông nghiệp. Mức bồi thường vào khoảng 200 - 300 triệu đồng/nhà, trong khi đó các căn hộ tái định cư được bố trí cho dự án thì có giá lên đến 1,2 tỷ đồng/căn. Ông Lê Đức Giáp, nhà số 6, ngách 218/192 đường Lê Trọng Tấn (Định Công) than thở: “Chúng tôi 3 thế hệ vẫn ở chung một căn nhà lụp xụp chưa đến 40m2, gia cảnh khó khăn thì lấy đâu tiền mà bù vào mua nhà tái định cư?”.
Ba năm thi công được 400m đường
Trao đổi với phóng viên về kế hoạch xây dựng đoạn tuyến Vành đai 2,5 đoạn từ Đầm Hồng - QL1A, Phó Giám đốc Ban QLDA - Công ty TNHH đầu tư xây dựng công trình Hoàng Mai Đinh Quang Tiến cho biết, đoạn tuyến đang thi công có chiều dài trên 2.000m, tổng mức đầu tư 1.327 tỷ đồng, thời hạn 36 tháng kể từ tháng 3/2014. “Đến nay, đã gần hết thời hạn, công trình mới chỉ thi công được khoảng 400m, phần còn lại chưa hoàn tất GPMB; TP cho phép kéo dài đến hết năm 2017” - ông Tiến cho hay.
Nhưng theo phóng viên ghi nhận, ngay cả 400m Ban QLDA báo cáo đã thi công cũng đang dở dang, được đắp cát hoặc trải đá dăm cấp phối… Mặc dù vị đại diện Ban QLDA khẳng định, có mặt bằng đến đâu thi công đến đó, song thực tế cho thấy, tiến độ vẫn quá chậm, không chỉ vì vướng mắc trong GPMB mà cơ quan chức năng cũng cần xem xét lại năng lực của nhà thầu. Bên cạnh đó, vấn đề cấp thiết nhất bây giờ là chính quyền các cấp phải có những giải pháp cụ thể, hữu hiệu để tháo gỡ vướng mắc trong GPMB mới mong có thể đẩy nhanh tiến độ dự án. “Rất mong TP có những điều chỉnh cụ thể trong công tác bồi thường, tái định cư để người dân có thể sớm đồng thuận, bàn giao mặt bằng” - ông Nguyễn Thiết Cương nói.
Đặc biệt, với những khúc mắc của người dân phường Thịnh Liệt, cơ quan chức năng cần có ngay những văn bản hướng dẫn, giải thích lý do tại sao trong phê duyệt quy hoạch cũ không có tên phường này mà nay lại đưa vào diện GPMB; tránh để người dân hiểu lầm rằng quy hoạch đường Vành đai 2,5 bị “nắn cong” một cách có chủ ý.
Theo Kinh tế Đô thị Online