Ngày 1/11, Bộ trưởng Xây dựng, Nguyễn Hồng Quân, đã gửi tờ trình đề nghị Thủ tướng ban hành chỉ thị nhằm đẩy mạnh quản lý thị trường bất động sản. Theo đó, thuế chuyển nhượng bất động sản sẽ giảm, tăng thuế sử dụng đất theo cách lũy tiến để chống đầu cơ.
Ngày 1/11, Bộ trưởng Xây dựng, Nguyễn Hồng Quân, đã gửi tờ trình đề nghị Thủ tướng ban hành chỉ thị nhằm đẩy mạnh quản lý thị trường bất động sản. Theo đó, thuế chuyển nhượng bất động sản sẽ giảm, tăng thuế sử dụng đất theo cách lũy tiến để chống đầu cơ.
Chính sách thuế sử dụng nhà đất, thuế tài sản chậm điều chỉnh đang ảnh hưởng tới hoạt động lành mạnh của thị trường bất động sản (BĐS). Theo Pháp lệnh Thuế nhà đất năm 1992 thì một m2 đất đô thị ở vị trí cao nhất cũng chỉ phải nộp khoảng 40.000 đồng một năm. Trong khi đó giá cho thuê nhà đất một tháng tại đô thị ở vị trí tốt là 25-30 USD một m2, tương đương 5 triệu đồng một năm.
Thuế chuyển nhượng BĐS nhà đất và lệ phí trước bạ quá cao (5%) đang làm tăng giao dịch ngầm và không khuyến khích giao dịch chính thức. Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Thuế nhà đất theo hướng đánh thuế lũy tiến đối với các trường hợp chủ sở hữu, chủ sử dụng có nhiều nhà, đất vượt hạn mức quy định. Nhất là các trường hợp có nhà đất nhưng không đưa vào khai thác sử dụng, nhằm hạn chế đầu cơ, tăng nguồn thu cho ngân sách.
Thuế chuyển quyền sử dụng đất (4%) sẽ được sửa đổi theo hướng giảm thuế suất đối với trường hợp giao dịch, chuyển nhượng đất ở, đất xây dựng công trình hoặc gộp thuế này vào thuế thu nhập cá nhân hay thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm khuyến khích đăng ký nộp thuế khi thực hiện giao dịch. Lệ phí trước bạ (1%) cũng sẽ được điều chỉnh giảm nhằm khuyến khích đăng ký sở hữu, đăng ký sử dụng phục vụ công tác quản lý.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ trưởng Xây dựng nhận định, thời gian qua đã xảy ra tình trạng tăng cục bộ về giá căn hộ chung cư cao cấp và văn phòng cho thuê tại một số dự án trên địa bàn TP HCM và Hà Nội. Giá căn hộ và giá thuê văn phòng ở 2 thành phố đã tăng khoảng 30% so với năm 2006.
Trong khi đó, thị trường BĐS ở các địa phương khác không có biến động lớn, thậm chí một số thị trường còn ít giao dịch như Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu...
Nguyên nhân của tình trạng biến động cục bộ trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân là do sự tăng mạnh về nhu cầu BĐS văn phòng, chính sách mở rộng đối tượng được mua và sở hữu nhà. "Song nguyên nhân cơ bản vẫn là nguồn cung hàng hóa cho thị trường còn bị hạn chế", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu tìm ra các giải pháp nhằm tăng nhanh và đa dạng hóa hàng hóa cho thị trường BĐS. Sửa đổi những nội dung liên quan đến lập, thẩm định và phê duyệt dự án phát triển nhà ở theo hướng loại bỏ các quy định bất hợp lý để rút ngắn thời gian triển khai thực hiện. Bộ Tài nguyên - Môi trường cần đưa ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong việc giao đất, cho thuê đất, tạo điều kiện cho nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận dự án nhằm tăng cung hàng hóa cho thị trường. Tập trung nghiên cứu bổ sung cơ chế chỉ định chủ đầu tư các dự án nhà ở, khu đô thị mới được giao đất, thuê đất nhằm đảm bảo tiến độ. Đồng thời đưa ra hạn mức sử dụng đất để làm cơ sở xác định thuế nhà đất.
Trong dự thảo chỉ thị của Thủ tướng, dự kiến UBND các tỉnh, thành phố sẽ phải kiểm tra, rà soát lại danh mục, tiến độ thực hiện đối với tất cả các dự án nhà ở; xử lý đối với những trường hợp đầu cơ nhà đất, mua bán, chuyển nhượng BĐS trái pháp luật, trốn thuế phải báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/12.
(Theo Thanh Niên)