Giao thông công cộng hiện được xem là một giải pháp để giảm ùn tắc. Tuy nhiên, theo chuyên gia Nhật Bản, đây không phải là cách để giải quyết tận gốc vấn đề ùn tắc đô thị.
Giao thông công cộng hiện được xem là một giải pháp để giảm ùn tắc. Tuy nhiên, theo chuyên gia Nhật Bản, đây không phải là cách để giải quyết tận gốc vấn đề ùn tắc mà giải pháp quan trọng nhất phải là phân tán các chức năng đô thị của Hà Nội.
Khi được hỏi về vấn đề giải quyết vấn nạn ùn tắc đô thị, ông Yoshio Wada, Vụ trưởng Vụ hạ tầng kinh tế, phát triển đô thị và vùng - JICA - về giao thông đã bày tỏ quan điểm của mình và chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong phát triển đô thị.
- Là một trong những quốc gia được đánh giá cao trong phát triển đô thị, xin ông chia sẻ những kinh nghiệm đối với một đất nước đang trong quá trình “khủng hoảng” về đô thị như hiện nay ở Việt Nam?
Thực tế, Nhật Bản cũng đã từng gặp phải những thất bại khi đô thị hóa. Một ví dụ điển hình chính là về thất bại của Nhật Bản 40 năm trước. Chúng tôi đã cố gắng “bắt chước” Mỹ trong quy hoạch, thiết kế đô thị như Mỹ, khiến người dân hoàn toàn phụ thuộc vào phương tiện giao thông là ô tô.
Hệ quả là có những đô thị ở Nhật chỉ có thể di chuyển bằng ô tô. Nghĩa là nếu không có ô tô người ta không thể đi mua sắm hay làm bất cứ việc gì khác. Nhưng thực tế đã chứng minh những đô thị này không phù hợp với Nhật Bản, một nước có dân số già hóa.
Bên cạnh đó, còn vấn đề ô nhiễm môi trường do khí thải từ xe cộ.... Do đó, Việt Nam nên xem xét có nên xây dựng những đô thị mà việc đi lại của người dân hoàn toàn dựa vào ô tô, xe máy hay không?!
- Hiện nay, Bộ giao thông vận tải Việt Nam đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để giảm ùn tắc giao thông, đặc biệt ở Hà Nội - một thách thức lớn trong phát triển đô thị. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
Để giảm ùn tắc giao thông, vấn đề đầu tiên phải tính đến là quy hoạch đô thị, cùng với đó là việc quản lý lượng phương tiện tham gia lưu thông trong đô thị. Cần thành lập những đô thị vệ tinh xung quanh những đô thị lõi để phân tán, tránh sức ép cho đô thị lõi.
Ở Hà Nội hiện nay đang tập trung cả 3 chức năng, kinh tế, chính trị và thương mại. Đây là một sức nặng quá lớn cho một đô thị và cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giao thông ùn tắc như hiện nay.
- Vậy có nghĩa là giải pháp giảm ùn tắc giao thông không chỉ thuần túy là nhiệm vụ của ngành giao thông?
Tôi cho rằng, giao thông công cộng hiện được xem là một giải pháp. Tuy nhiên, đây không phải là cách để giải quyết vấn đề ùn tắc mà chỉ đơn thuần là một trong nhiều giải pháp. Giải pháp quan trọng nhất đó là phân tán các chức năng đô thị của Hà Nội.
Khi đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ thì trang bị kết nối hạ tầng quan trọng hơn bao giờ hết, Việt Nam cần chú ý đến đầu tư xây dựng hạ tầng để đảm bảo chất lượng sống cho người dân đô thị.
Những đường cao tốc liên vùng Bắc - Nam cũng như đường quốc lộ dù đã có nhưng vẫn cần thêm nữa để giao thông được thuận tiện trong đô thị, nhất là trong tình hình đô thị hóa tại Việt Nam đang rất mạnh mẽ hiện nay.
- Nhưng thực tế, để làm được việc này hoàn toàn không đơn giản, nhất là đối với một quốc gia còn thiếu kinh nghiệm trong phát triển đô thị…?
Để xây dựng được đô thị tốt, phải dựa trên ba yếu tố, gồm vốn, kỹ thuật và quản lý. Ngoài vấn đề vốn, JICA sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật và quản lý.
Trong khi đó, Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm trong quy hoạch đô thị, quản lý, điều tiết tốt các hoạt động đầu tư phát triển đô thị, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như tái thiết, phát triển mới đô thị, phát triển mạng lưới giao thông công cộng hiện đại… và tôi cho rằng đó là những yếu tố thuận lợi.
Xin cảm ơn ông!
(Theo Dân trí)