Sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ "khép lại", Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ký quyết định hỗ trợ lãi suất mua, thuê mua nhà ở xã hội (NƠXH) với mức 4,8%/năm, nhằm nối dài ước mơ an cư cho người nghèo, người TNT. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn liệu người TNT có cơ hội nào khi chương trình này vẫn đang chờ hướng dẫn để triển khai.
Nối dài cơ hội mua nhà
Ngày 06/6/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1013/QĐ-TTg về lãi suất cho vay ưu đãi NƠXH tại Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH). Theo đó, lãi suất cho vay ưu đãi đối với các đối tượng chính sách, người TNT (quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP) là 4,8%/năm (0,4%/tháng). Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký đến hết ngày 31/12/2016, áp dụng cho tất cả các khoản vay còn dư nợ trong năm 2016…
Theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP, người mua, thuê mua NƠXH sẽ được vay tối đa 80% giá trị hợp đồng. Trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay…
Tiếp tục có cơ hội vay ưu đãi mua NƠXH nhưng người dân vẫn phải chờ
Đây thực sự là tin vui và hy vọng lớn cho người dân có nhu cầu mua nhà để ở, nhất là những người nghèo, người có TNT. Anh Nguyễn Đức Anh (phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, anh chỉ làm công ăn lương, thu nhập hàng tháng không cao nên việc mua nhà đất sẵn có hay mua nhà ở thương mại thì anh không dám nghĩ đến vì không đủ khả năng.
Hiện, anh đang tìm các dự án xây dựng NƠXH vì được vay gói hỗ trợ với lãi suất ưu đãi, chứ nếu mua nhà mà phải vay lãi suất thương mại (dao động khoảng 11 – 12%) thì sẽ là gánh nặng đối với vợ chồng anh, nên anh rất hy vọng ở gói vay mới từ NHCSXH...
Nhưng vẫn phải… chờ!
Theo nghiên cứu về thị trường nhà ở của Bộ Xây dựng, trong số những người có nhu cầu về nhà ở có đến 80% người dân không đủ khả năng tự mình chi trả theo cơ chế thị trường.
Trong khi trước đó (cuối năm 2015), kết quả khảo sát được đưa ra của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho thấy, hơn 40% hộ gia đình tại Việt Nam có thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng và với mức thu nhập này họ không đủ khả năng để mua nhà…
Hầu hết các chuyên gia ngành xây dựng, các nhà đầu tư, kinh doanh BĐS đều cho rằng: Nhu cầu mua nhà để ở hiện nay còn khá nhiều, nhất là với những người TNT.
Tuy nhiên, họ khó có cơ hội sở hữu nhà nếu không được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, bởi những người này khó có được khoản tiền lớn để mua nhà dù có tiết kiệm chắt chiu nhiều năm.
Vì vậy, Quyết định 1013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là kịp thời bởi những người mua NƠXH là những đối tượng có nhu cầu thật. Nhưng, một vấn đề cần phải bàn đến là hiệu lực của Quyết định này chỉ kéo dài đến hết ngày 31/12/2016, áp dụng cho tất cả các khoản vay còn dư nợ trong năm 2016. Có nghĩa là, chỉ còn hơn 4 tháng nữa là kết thúc chương trình song đến thời điểm hiện tại, “cánh cửa tín dụng” này vẫn chưa được mở.
Theo đại diện NHCSXH Hà Nội (B10A Nam Trung Yên, Cầu Giấy), đến thời điểm này, Ngân hàng vẫn chưa được cấp vốn cho gói chính sách này và cũng chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện, do đó chưa thể triển khai được…
Cũng như NHCSXH, anh Vũ, cán bộ tín dụng Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Thăng Long cho biết: Hiện gói chính sách này chưa triển khai do chưa có thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước gửi cho các ngân hàng thương mại được chỉ định để thực hiện, nên vẫn phải chờ…
Như vậy, chủ trương đã có, NHCSXH cũng đã chuẩn bị sẵn sàng về mặt nhân lực và xây dựng các quy trình nội bộ thực hiện chương trình NƠXH theo quyết định mới của Chính phủ; các ngân hàng thương mại được chỉ định cũng đã chuẩn bị tất cả các khâu cho gói chính sách mới, song giờ cũng chỉ biết… chờ, và chờ đến bao giờ thì chưa biết!
Nguồn vốn chưa có đồng nghĩa với việc cơ hội tiếp cận vốn vay ưu đãi của người dân bị “tắc”, doanh nghiệp vẫn trong tâm thế chờ đợi. Thời gian không còn nhiều đồng nghĩa thời hạn vay càng ngắn. Rồi khi có thì quy trình, thủ tục và điều kiện vay được quy định như thế nào? Và liệu người dân có kịp tiếp cận để vay trước thời hạn gói vay kết thúc hay không?...
Thiết nghĩ, để chính sách nhân văn này của Nhà nước, Chính phủ được thực hiện xuyên suốt thì rất cần sự vào cuộc khẩn trương của các ban, ngành chức năng liên quan nhằm giải quyết nhu cầu bức thiết về nhà ở cho người dân…