Hiệp hội bất động sản Tp.HCM đã kiến nghị kéo dài thời hạn gói 30.000 tỷ đồng lên ít nhất 60 tháng (đến hết ngày 31/5/2018).
Kéo dài gói 30.000 tỷ đồng
Theo Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), kết quả giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng đến ngày 15/9 trên cả nước mới chỉ đạt 26%. Con số này theo đánh giá của HoREA là quá thấp, quá chậm và chưa đạt được như kỳ vọng.
Thế nhưng gói tín dụng này sẽ chính thức kết thúc vào ngày 31/5/2016 theo quy định tại điều 4 Thông tư 11/2013/TT-NHNN.
Do đó, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho biết Hiệp hội đã kiến nghị kéo dài thời hạn gói 30.000 tỷ đồng lên ít nhất 60 tháng (5 năm), cụ thể đến hết ngày 31/5/2018.
Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, việc quan trọng là tiếp tục hạ lãi suất ưu đãi xuống còn 4%-4,5% áp dụng cho năm 2016 đối với nhà ở thương mại có giá bán dưới 1,05 tỷ đồng.
Đối với nhà ở xã hội, Hiệp hội đề nghị mức lãi suất là 3-3,5% để phù hợp với thu nhập phổ biến của các đối tượng và thực tế tình hình kiểm soát lạm phát của Nhà nước. Mức lãi suất hiện tại là 5%/năm.
Theo quy định hiện nay, thời hạn cho vay của gói tín dụng ưu đãi là 15 năm áp dụng cho cả nhà ở thương mại và nhà ở xã hội. Tuy nhiên ông Châu cho rằng thời hạn 20 năm sẽ hợp lý và phù hợp khả năng tài chính của người mua nhà cũng như thông lệ quốc tế (các nước cho vay mua nhà ở xã hội thông thường từ 20 đến 30 năm).
Bên cạnh đó, HoREA cũng đề nghị ân hạn 3 năm đầu người tiêu dùng chưa phải trả lãi vay và nợ gốc. Đồng thời, đề nghị bổ sung đối tượng: các cặp vợ chồng mới kết hôn; người mới mua căn nhà đầu tiên; người lao động ngoại tỉnh chưa có hộ khẩu thường trú cũng được vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng.
Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau
xung quanh việc có nên tiếp tục gia hạn gói 30.000 tỷ đồng
Có nên níu kéo?
Trong khi đó nhiều doanh nghiệp bất động sản lại cho rằng cần có một gói tín dụng mới với chính sách cởi mở hơn, thay vì níu kéo một gói tín dụng không hiệu quả.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Bất động sản Lê Thành - doanh nghiệp chuyên đầu tư trong phân khúc nhà ở xã hội cho rằng nên đưa ra thị trường một gói tín dụng mới với chính sách mở rộng hơn, hỗ trợ người dân mua nhà để ở và chỉ quy định giá và diện tích căn hộ.
Ông Nghĩa nhấn mạnh nếu duy trì gói tín dụng 30.000 tỷ đồng một cách thoi thóp sẽ gây tâm lý không tốt cho doanh nghiệp. Nên thay đổi bằng một chính sách khác tốt hơn, lắng nghe doanh nghiệp hơn sẽ khiến các doanh nghiệp đầu tư phân khúc nhà ở xã hội cảm thấy được Nhà nước hỗ trợ, sẽ an tâm, tâm huyết để tiếp tục theo đuổi phân khúc này.
Đồng quan điểm trên, ông Lục Minh Hoàn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP BIC Việt Nam nhận định, đến thời điểm 6/2016 cùng lắm chỉ giải ngân được 60% gói tín dụng này, vì thế các cơ quan chức năng nên dừng để chuyển sang một gói mới hiệu quả hơn.