“Việc hạn chế ô tô vào giờ cao điểm, Hà Nội có cái khó riêng. Hiện các cơ quan Trung ương nằm trên địa bàn quá nhiều. Vì thế, nếu làm không cẩn thận thì sẽ gây khó dễ"
“Việc hạn chế ô tô vào giờ cao điểm, Hà Nội có cái khó riêng. Hiện các cơ quan Trung ương nằm trên địa bàn quá nhiều. Vì thế, nếu làm không cẩn thận thì sẽ gây khó dễ cho các cơ quan này", Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam trao đổi.
- UBND Hà Nội vừa có tờ trình về chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông từ nay đến 2015. Ý kiến của ông thế nào về tờ trình này như thế nào?
Chương trình mục tiêu về giảm thiều ùn tắc chỉ giới hạn trong phạm vi rất nhỏ trong toàn bộ hệ thống mạng lưới về vấn đề tổ chức giao thông, phát triển giao thông của Thủ đô. Thành phố đưa ra 2 chỉ tiêu quan trọng đó là giảm 27 điểm ùn tắc và 40% thời gian ùn tắc.
Ví dụ, liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, liên quan đến vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin như làm hệ thống đèn tìn hiệu kết nối với camera điều khiển; làm tiếp một số cầu vượt nhẹ mà chúng ta thấy rằng việc làm này là có hiệu quả…
Ngoài ra, trong công tác tổ chức quản lý giao thông, thành phố cần yêu cầu các quận, huyện chính quyền các cấp tăng cường giải tỏa các hành vi lấn chiếm đường hè để kinh doanh dịch vụ không đúng quy hoạch, không đúng yêu cầu. Việc này cần phải làm ngay vì đấy là mục tiêu của giảm thiểu ùn tắc giao thông.
- Một số ý kiến cho rằng, các lần trước, Hà Nội cũng đưa ra nhiều chương trình, nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu ùn tắc nhưng hầu hết chỉ thực hiện trên giấy. Ông nói sao về điều này?.
Chương trình mục tiêu lần này là quyết liệt. Vừa rồi Thành phố thực hiện việc phân làn đường hay yêu cầu nâng cấp một số hệ thống đèn tín hiệu giao thông, rà soát giải tỏa một loạt quy định về phân cấp quản lý hè đường, siết lại vấn đề lấn chiếm hè đường để kinh doanh dịch vụ, đặc biệt vừa rồi làm 3 cầu vượt nhẹ… đã cho thấy rõ hiệu quả.
Tôi nghĩ lần này thành phố làm tiếp và quyết liệt hơn thì ùn tắc giao thông sẽ giảm. Rõ ràng, chương trình mục tiêu này đã hành động thật chứ không phải trên giấy nữa.
Chương trình này, bây giờ HĐND mới thông qua nhưng ngay từ đầu năm trong Nghị quyết dự toán ngân sách của thành phố đã phân bổ dự toán trước 50 tỷ phục vụ việc này. Tới đây, tiếp tục cân đối nguồn để bổ sung cho chương trình mục tiêu này để thực hiện ngay trong năm nay chứ không chỉ là từ nay đến 2015.
- Theo dự kiến, cuối năm nay, Chính phủ sẽ thông qua đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Vậy Hà Nội thế nào, thưa ông?.
Hà Nội chưa bàn đến vấn đề này. Thực tế việc cấm ô tô trên nhiều tuyến phố đã tiến hành nhưng chỉ cấm theo giờ ở một số tuyến vành đai.
Với Hà Nội, trong chương trình mục tiêu lần này, thành phố yêu cầu chính quyền các quận, huyện phải rà soát lại, sắp xếp lại những điểm cần giải tỏa, ngay các điểm trông giữ xe cũng phải tính toán lại. Tính toán trên cơ sở vừa đảm bảo quy hoạch lại quy hoạch giao thông, kể cả giao thông tĩnh vì đó cũng là nhu cầu chính đáng của nhân dân.
Nhưng quy hoạch này bị đụng chạm bởi chúng ta quy hoạch đô thị cũ trước đây còn nhiều bất cập. Ví dụ, trước đây chúng ta phê duyệt xây dựng hàng loạt nhà chung cư nhưng không có bãi đỗ xe mặc dù trong thiết kế ban đầu là có. Cuối cùng đẩy hết xe ra vỉa hè.
Hay việc xây các trung tâm thương mại, bản thân anh cũng phải có bãi đỗ xe, giao thông tĩnh phục vụ trung tâm của anh nhưng anh không làm mà đẩy ra đường, buộc nhà nước phải chịu trách nhiệm.
Không nói đâu xa, ngay ngã tư Bà Triệu - Hai Bà Trưng, bãi đỗ xe cho trung tâm thương mại cũng không đúng, về nguyên tắc bãi đỗ xe ở trung tâm thương mại phải có. Những bất cập trước đây của công tác quản lý, lần này sẽ được xử lý rốt ráo. Vấn đề này sẽ được giải quyết gắn với quy hoạch giao thông.
- Thưa ông, tại sao trong chiến lược giảm thiểu ùn tắc giao thông 3 năm tới, Hà Nội không đề cập đến việc hạn chế phương tiện cá nhân?.
Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân hiện đang được Bộ Giao thông và thành phố kết hợp làm đề án để trình chính phủ. Việc này, Hà Nội đã thất bại một lần rồi. Muốn làm được việc này phải trên quy hoạch tổng thể gắn với lộ trình giải quyết được giao thông công cộng, tức là liên quan đến phương tiện xe buýt, xe điện trên cao, xe điện ngầm… tức là phải có lộ trình.
Khi đã có lộ trình, chúng ta mới tổ chức hạn chế phương tiện cá nhân kể cả ô tô lẫn xe máy. Việc này chúng ta phải đưa vào quy hoạch. Lần này, Ban Pháp chế khi thẩm tra quy hoạch giao thông sẽ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khi trình Chính phủ về đề án hạn chế phương tiện cá nhân phải có lộ trình và công bố cho thành phố biết đến năm nào thì thực hiện, thực hiện ở đâu để thành phố và người dân có sự chuẩn bị chứ không thể hôm nay chúng ta thông báo là sang năm chúng ta cấm là cấm được ngay. Việc này, nó liên quan đến nhu cầu thiết yếu của người dân nhưng đồng thời cũng liên quan đến vấn đề kinh tế nữa.
- Thưa ông, trong chiến lược giảm thiểu ùn tắc giao thông, thành phố đề ra lộ trình đến 2015 giảm phương tiện giao thông cá nhân xuống dưới 5% liệu có khả thi không?.
Quy hoạch giao thông lần này liên quan đến quyết định 1259 của Chính phủ. Đây là chỉ tiêu Chính phủ yêu cầu Hà Nội khi xây dựng quy hoạch giao thông Hà Nội cần đưa ra lộ trình mềm hơn nhưng dưới góc độ của Ban Pháp chế HĐND thành phố thì cần phải làm quyết liệt hơn.
Cụ thể, ngay cả những dự án trọng điểm phục vụ hệ thống giao thông của thành phố, kể cả của Bộ, Chính phủ cũng được quan tâm hơn, quyết liệt hơn. Trong vấn đề thu gọn vốn đầu tư, giải phóng mặt bằng kể cả cơ chế đặc thù lần này khi đưa vào Luật Thủ đô cũng phải ưu tiên cho vấn đề này để chúng ta có được đồng bộ các giải pháp mới thực hiện được. Còn nếu chúng ta không thực hiện các giải pháp đồng bộ liên quan đến tổ chức mạng lưới giao thông, phát triển giao thông công cộng thì chúng ta không thể thực hiện được.
- Để chống ùn tắc giao thông, TPHCM đã từng đề xuất các biện pháp: hạn chế xe ô tô vào trung tâm thành phố giờ cao điểm, thậm chí là chỉ cho phép ô tô đi theo giờ chẵn lẻ… Vậy tại sao Hà Nội không nghiên cứu áp dụng? Có ý kiến cho rằng Hà Nội ngại đưa ra các giải pháp mạnh?.
Không phải thế, Hà Nội có cái khó riêng. Các cơ quan Trung ương nằm trên địa bàn Hà Nội quá nhiều. Nếu tổng kết lại số lượng ô tô vào nội đô hiện nay tại hai quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, các cơ quan bộ đều nằm ở đó, tỉ lệ ô tô công vào đây rất nhiều so ô tô biển trắng của cá nhân.
Nếu Hà Nội làm không cẩn thận thì sẽ gây khó dễ cho các cơ quan Trung ương trên địa bàn thành phố, vì thế việc đặt vấn đề hạn chế phương tiện cá nhân vào giờ cao điểm vào khu vực nội đô phải có đề án tổng thể mà Hà Nội không thể làm vội được.
- Xin cảm ơn ông!
(Theo VnMedia)