Mục tiêu, bảo vệ bằng được diện tích rừng tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học góp phần nâng tỷ lệ rừng từ 7,3-7,5%.
Mục tiêu, bảo vệ bằng được diện tích rừng tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học góp phần nâng tỷ lệ rừng từ 7,3-7,5%. Đây là nội dung được bàn tới tại buổi làm việc giữa UBND TP Hà Nội với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng thành phố Hà Nội, giai đoạn 2011-2020.
Hiện tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của Hà Nội khoảng 29.171,3ha, trong đó, rừng sản xuất 13.982,9ha, rừng phòng hộ 5.034,2ha, rừng đặc dụng 10.154,2ha. Rừng và đất lâm nghiệp thành phố Hà Nội có vị trí, vai trò rất quan trọng được coi như “lá phổi xanh” điều hoà khí hậu của Thủ đô.
Rừng và đất lâm nghiệp phần lớn gắn với các điểm di tích văn hoá di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các khu du lịch, nghỉ ngơi cuối tuần nổi tiếng của đất nước và các tỉnh phía Bắc như: Chùa Hương, Vườn quốc gia Ba Vì...
Tuy nhiên, diện tích đất lâm nghiệp của Hà Nội ngày càng bị thu hẹp do chuyển đổi mục đích. Chất lượng và giá trị kinh tế rừng thấp, chưa đem lại thu nhập cao cho người trồng rừng. Công tác quản lý bảo vệ rừng được chú trọng, nhưng vẫn còn xảy ra cháy rừng... Nguyên nhân do tốc độ phát triển công nghiệp, xây dựng, du lịch nhanh, mật độ dân số lại cao, quỹ đất hạn chế, nhu cầu sử dụng đất giữa các ngành trở nên gay gắt. Về cơ chế chính sách cũng còn nhiều điểm chưa phù hợp. Quy hoạch, kế hoạch quản lý phát triển rừng chưa đồng bộ...
Mục tiêu, bảo vệ bằng được diện tích rừng tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học góp phần nâng tỷ lệ rừng từ 7,3-7,5% trong giai đoạn 2011-2020 có ý nghĩa quan trọng. Về Kinh tế sẽ tạo nhiều sản phẩm có giá trị cao từ trồng rừng, ngoài ra, phục vụ phát triển du lịch sinh thái, dịch vụ môi trường rừng, nâng mức thu nhập 1ha đất lâm nghiệp hiện này từ 10-15 triệu đồng/ha/năm lên 40-60 triệu đồng/ha/năm vào năm 2020. Qua đó, hàng năm giải quyết việc làm cho 10-15 nghìn lao động, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững an ninh quốc phòng...
Để thực hiện được các mục tiêu trên, theo dự thảo quy hoạch lấy ý kiến đóng góp, tổng vốn đầu tư khoảng 1.497 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách khoảng 854 tỷ đồng, chiếm 57%, vốn vay khoảng 314,4 tỷ đồng, chiếm 14%, vốn liên doanh, liên kết khoảng 193,2 tỷ đồng, chiếm 12,9% và vốn dự phòng khoảng 136 tỷ đồng, chiếm 9,1%.
Theo KTĐT