"Hà Nội có 1-2 xe cứu hỏa đặc chủng vươn cao đến tầng 39 và đang đặt mua máy bay trực thăng để chữa cháy".
Trước lo ngại của nhiều đại biểu, ở Hà Nội, xe chữa cháy bất lực với nhà 30 tầng, Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị cho biết, thành phố đã đặt mua trực thăng để chữa cháy...
Thảo luận về luật Phòng cháy chữa cháy sửa đổi (PCCC) tại các tổ đại biểu ngày 28/5, nhiều ý kiến góp ý không giấu lo ngại trước thực tế liên tiếp nhiều vụ cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra gần đây. Nhiều vụ cháy do các nguyên nhân chủ quan của con người, trong khi đó công tác chữa cháy còn nhiều bất cập.
Đại biểu Lê Việt Trường (An Giang) dẫn chứng, ở Hà Nội hiện nay, những tòa nhà từ 30 tầng trở lên không có xe thang, máy bơm, vòi phun nước nào vươn tới để chữa cháy được khi xảy ra hỏa hoạn. Trong khi đó, việc trang bị thêm thiết bị chữa cháy tại chỗ như bình xịt cầm tay, họng nước tự động… được chủ đầu tư làm hết sức miễn cưỡng, “lấy vì”.
Ông Trường đề nghị xây dựng căn cứ pháp lý với chế tài mạnh mẽ trong luật này để những người chủ cơ sở không đầu tư phòng cháy chữa cháy nghiêm túc phải bị phạt nặng khi để xảy ra hỏa hoạn tại đơn vị của mình làm ảnh hưởng đến người khác. Đại biểu nêu ví dụ giám đốc công ty may mặc, da giày, chủ khách sạn, nhà hàng… phải bồi thường bằng tiền đối với những thiệt hại nếu xảy cháy tại cơ sở và lan sang các cơ quan, đơn vị, nhà dân khác.
Chia sẻ lo ngại, hoang mang của cử tri sống ở các khu chung cư cao tầng khi thực tế xe thang cứu hỏa chỉ có thể vươn tới tầng… 17, đại biểu Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) bức xúc: “Tại sao cơ quan chức năng cho phép xây dựng các khu chung cư mới hiện nay với quy tô toàn từ 30-40 tầng trở lên trong khi thực trạng công tác đảm bảo an không đạt được đến mức độ đó?”.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trấn an: “Hà Nội hiện đã có xe cứu hỏa đặc chủng, vươn cao đến tầng 39. Tất nhiên cũng mới chỉ có 1-2 xe, còn lại là đại trà, có thể xử lý từ tầng 17 trở xuống”.
Nhà cao tầng cũng bắt buộc phải có phương án PCCC ngay từ khâu thiết kế, đảm bảo khi xảy ra cháy phải tự ứng cứu được bằng khí, bọt, nước… Ông Nghị cũng thông tin thêm, Hà Nội đã có phương án và đặt mua trực thăng để chữa cháy trong trường hợp cần thiết, hiện phương tiện chưa về.
“Như vậy, nếu cháy ở tầng cao thì không phải vô phương cứu chữa. Nhưng phương tiện thì đúng là chưa nhiều” - ông phân trần.
Đại biểu Trần Đình Long (Đăk Nông) lập luận, nhà nước lấy đâu tiền để đầu tư mua nhiều xe chữa cháy đặc chủng, vươn cao tới 39-40 tầng mà giá trị mỗi chiếc lên tới vài chục tỷ đồng. Mua trực thăng chữa cháy cũng không thể đầy đủ, đại trà được. Phải có một nguồn vốn xã hội tập trung lo phương tiện cứu hỏa, để mua sắm máy bay, xe thang, vòi rồng công suất lớn…
Việc này, theo ông Long, nên thiết kế trong mô hình công ty bảo hiểm. Trước mắt, khi chưa ai dám làm, nhà nước sẽ đứng ra thành lập doanh nghiệp công ích về PCCC, sau đó cổ phần hóa, thoái vốn dần. Các hình thức bảo hiểm PCCC bắt buộc hiện nay như người trồng rừng, nhà kinh doanh trung tâm thương mại, chủ sở hữu các ki-ốt hàng hóa tại chợ… đều phải mua bảo hiểm. Chủ đầu tư xây dựng những tòa nhà hàng chục tầng cũng phải thế. Vậy nhưng các công ty bảo hiểm chỉ thu tiền để bồi thường khi có sự cố, tai họa là không thỏa đáng.
Ông Long, luật cần quy định rõ 3 trách nhiệm cụ thể của doanh nghiệp tham gia thị trường bảo hiểm cháy nổ: trước hết là trách nhiệm giám sát công tác phòng cháy của khách hàng, sau tới trách nhiệm đầu tư phương tiện chữa cháy theo tỷ lệ giá trị khoản bảo hiểm bán được, cuối cùng, trong tình huống xấu nhất mới là trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Tán thành phân tích này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng, quy định mua bảo hiểm cháy, nổ với mọi đối tượng là một giải pháp hợp lý. “Nguy cơ cháy nổ luôn rình rập ở mọi nơi. Quy định hiện nay chỉ các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ mới bắt buộc mua bảo hiểm còn các thành phần khác chỉ khuyến khích, trong khi nếu sự cố xảy ra thì thiệt hại không chỉ cho cơ sở đó. Cần quy định cứng việc bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy, nổ với mọi đối tượng, có như vậy mới đủ nguồn lực cho PCCC”- bà Lan phát biểu.
Ngoài ra, đại biểu Trần Đình Long cũng kiến nghị tổ chức lực lượng thanh kiểm tra công tác phòng cháy và lực lượng cảnh sát PCCC tách biệt với mô hình lực lượng chữa cháy hoạt động như một doanh nghiệp công ích, nơi để xảy racháy phải trả tiền cứu hỏa.
Một “đối tượng” đặc biệt được đề cập trong luật là nhà máy điện hạt nhân. Đại biểu Lê Đông Phong (TP.HCM) kiến nghị cần có đội ngũ chuyên ngành trong công tác PCCC đối với nhà máy điện hạt nhân.
Cùng đoàn TP.HCM, đại biểu Huỳnh Thành Đạt cũng tán thành, với nhà máy điện hạt nhân phải có lực lượng đặc biệt, chuẩn bị về mặt tâm lý để xử lý sớm nếu có sự cố.
Đại biểu Lê Bộ Lĩnh (An Giang) đề nghị sửa 1 chữ trong Điều 24 quy định về vấn đề này, chuyển từ “được” thành từ “phải” trong quy định “nhà máy điện hạt nhân được trang bị thiết bị chữa cháy tự động”.
Theo Dantri