Hàng chục hàng nước giải khát, đồ ăn, bánh mì, kem, trà đá... cùng với các khách hàng, người đi lại tham gia giao thông đã khiến công viên Hòa Bình trở nên vô cùng bát nháo.
Hàng chục hàng nước giải khát, đồ ăn, bánh mì, kem, trà đá... cùng với các khách hàng, người đi lại tham gia giao thông đã vẽ lên một bức tranh bát nháo, nhếch nhác về công viên Hòa Bình.
Công viên Hòa Bình là công trình mới được xây dựng và đi vào hoạt động nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Được khởi công từ tháng 20/9/2009, nằm ở phía tây bắc cửa ngõ của thủ đô, có diện tích gần 20ha, với tổng mức vốn đầu tư gần 300 tỉ đồng. Được khánh thành và đi vào hoạt động ngày 8/10/2010, công viên Hòa Bình đã tạo nên một điểm vui chơi, giải trí cho người dân cả nước. Tuy nhiên, cũng từ đó một số người dân vì tham lợi bất chính đã đua nhau xâu xé từng thước đất trước mặt công viên để mở các hàng quán.
Theo khảo sát của PV, ở cổng phía bắc của công viên Hòa Bình hướng ra đường Phạm Văn Đồng – cao tốc Bắc Thăng Long có hàng chục quán nước, hàng ăn lớn mở xung quanh cổng ra của công viên. Các hàng quán được mở vào lúc 2h chiều đến 22h đêm và đông đúc nhất là vào lúc từ 5h – 9h tối. Có mặt ở công viên Hòa Bình vào khoảng 6h tối người ta mới thấy hết được độ nhếch nhác, biến tướng của công viên. Các hàng quán chắn ngang đường đi, đứng ra giữa đường vẫy chào khách làm ảnh hưởng đến giao thông. Những bãi trông xe trái phép xâu xé hàng trăm mét vỉa hè trước công viên.
Mặt tiền của công viên Hòa Bình giống như một chiếc bánh ngon mà ai cũng muốn nhảy vào giành lấy một miếng cho mình. Chính vì lợi nhuận siêu khủng đã khiến cho các hàng quán ở đây tranh nhau phân đất, phân ranh giới. Mỗi suất cũng được chừng 5m. Theo một người chủ bán nước giải khát ở đây thì “chỉ vì 5m nhỏ này mà nhiều lần đã phải đao kiếm tranh giành, thậm chí có cả sự can thiệp của xã hội đen”.
Hàng chục quán nước thi nhau dựng ghế, dựng lều, bạt, chế biến đồ, vạch vôi, bãi để xe… làm náo loạn, gây ra cảnh hỗn độn trước cổng công viên. Nhiều người dân quanh đây tỏ ra bức xúc, bất mãn về tình trạng lấn chiếm quá đáng của các chủ hàng quán này. Bác Nguyễn Văn Trương, đang tập thể dục tại công viên cho biết “quán nước mọc ra như nấm che khuất hết cả lối đi vào, thậm chí che mất cả biển hiệu của công viên”. Một số xe đẩy bán ngô, khoai, xúc xích, nem chua còn đứng chênh vênh mua bán giữa lối vào khiến việc đi lại rất khó khăn. Bác Trương cũng cho biết thêm “tình trạng lấn chiếm xảy ra từ rất lâu từ lúc công viên mới mở nhưng thời gian này thời tiết nắng nóng dẫn đến việc các hàng quán mới mọc lên và mở rộng quy mô hơn trước”.
Chị Thanh, một người dân ở gần đó thường ra công viên hóng gió cũng cho biết: “Nhiều khi thấy các hàng quán vô duyên kinh khủng, văn hóa thấp, có khi các cô gái đi qua bị càng chàng trai trong quán trêu đùa, nói tục chửi bậy…”
Điều đáng nói ở đây là các hàng quán, bãi trông xe không chỉ lấn chiếm ảnh hưởng đến giao thông và cuộc sống của người dân mà còn thi nhau chặt chém với mức giá bán cắt cổ. Riêng các loại nước mía, nước giải khát đóng chai, trà đá,…cũng được niêm yết giá cao hơn hẳn so với chỗ khác.
Trái với những ý kiến của người dân, với tổ bảo vệ của công viên Hòa Bình lại cho rằng: “Điều đó chẳng ảnh hưởng gì đến công viên chúng tôi cả, chúng tôi chỉ bảo vệ và quản lí khu vực trong công viên”. Tuy nhiên, với trách nhiệm và người làm việc ở công viên Hòa Bình lâu năm “việc lấn chiếm này cần được dẹp bỏ đế tránh gây ấn tượng xấu trong mắt người nước ngoài về công trình nhân dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long này”- một nhân viên bảo vệ cho biết.
Theo nguồn thông tin cuả PV, mặc dù lấn chiếm trái phép và tồn tại hàng năm nay nhưng các cơ quan vẫn làm ngơ, coi như không biết. Trong vai một sinh viên đi tìm hiểu mở quán trà chanh trước công viên, chúng tôi được tiếp xúc mới M., chủ quán uống nước đối diện với cổng công viên Hòa Bình. M. cho biết: “Tất cả hàng quán ở đây đều có chỗ hết rồi, em mà chen chân vào chỉ tổ đánh nhau đổ máu thôi”. Từ M. chúng tôi được biết, để những hàng quán này được sống yên ổn thì “quán nhỏ 3 triệu/tháng, quán lớn 5 triệu tháng, cứ nộp đủ tiền thì chả bao giờ bị đuổi”. Khi chúng tôi hỏi M. công an khu vực có bao giờ qua đây không thì M. thẳng thắn trả lời: “Qua thì ngày nào chẳng qua nhưng chỉ là hình thức thôi”. Nói rồi M. dằn mặt: “Em bỏ ngay cái ý định bán nước ở khu vực này đi, không có chỗ cho tụi sinh viên đâu”.
Được biết, gia đình M. quê gốc ở Từ Liêm, Hà Nội đã bán nước trước cổng công viên gần 2 năm nay nhưng chưa bao giờ bị đuổi. Theo M., lời lãi khá lớn, vốn bỏ ra không nhiều nên “dù biết lấn chiếm là sai luật nhưng vẫn gắn bó lâu dài”.
(Theo VLand)