Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có quyết định phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng huyện Đan Phượng đến năm 2030 tỷ lệ 1/10.000.
Nội dung quy hoạch nêu rõ, huyện Đan Phượng có tổng diện tích 7.735,48 ha, khu vực phát triển đô thị trong đó khoảng 3.102,04 ha; và khu vực nông thôn là 4.633,44 ha, quy mô dân số dự báo đến năm 2020 đạt khoảng 182.079 người (dân số đô thị là 110.710 người và dân số nông thôn vào khoảng 71.369 người). Đến năm 2030, quy mô dân số dự báo khoảng 183.00 người, với dân số đô thị là 117.390 người, trong khi dân số nông thôn đạt khoảng 65.610 người.
Đường Vành đai 4 sẽ chia toàn bộ không gian của huyện thành 2 phần. Cụ thể: Phần phía Đông Vành đai 4 (khu vực dân cư đô thị thuộc phân khu đô thị S1, S2, sông Hồng và GS) sẽ phát triển theo hướng đô thị gắn kết các dịch vụ công cộng chất lượng cao về giáo dục, y tế với tổng quy mô diện tích là 2.522,62 ha.
Quy hoạch chung xây dựng huyện Đan Phượng đến năm 2030 đã được
TP Hà Nội phê duyệt.
Trong khi đó, phần phía Tây Vành đai 4 nằm trong khu vực Hành lang xanh của Thủ đô Hà Nội, được định hướng phát triển cụ thể như sau:
Khu vực phát triển đô thị (gồm thị trấn Phùng và vùng phụ cận) có quy mô diện tích 579,41 ha xác định phát triển thành khu đô thị công nghệ cao, mang tính chất sinh thái gắn với trục phát triển mới Tây Thăng Long, khu vực này sẽ đóng vai trò là trung tâm huyện hỗ trợ phát triển vùng nông thôn.
Tiếp đến là Khu vực làng xóm, dân cư nông thôn thuộc Hành lang xanh: Theo quy hoạch, khu vực này gồm làng xóm dân cư hiện hữu gắn với bảo tồn di tích lịch sử văn hóa và tiếp tục các hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp.
Quy hoạch trên định hướng phát triển khu vực nông thôn kết hợp với sinh thái nông nghiệp, đồng thời khuyến khích phát triển các không gian nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái nông nghiệp, chẳng hạn như việc đưa du khách thăm quan các vùng sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, đẩy mạnh phát triển nông thôn mới các xã gắn với 19 tiêu chí nông thôn mới.
Bên cạnh đó, không gian kiến trúc làng xóm được cải tạo chỉnh trang và khuyến khích các kiến trúc đặc trưng Việt như nhà thấp tầng, khuôn viên sân vườn, hồ ao... kiến tạo hình ảnh nông thôn mới và lưu giữ được bản sắc văn hóa, phong cách kiến trúc địa phương. Bảo đảm tiêu chí không gian sống sinh thái, bền vững.