Theo số liệu của Bộ Xây dựng, có tới hơn một nửa chung cư trên địa bàn TP. Hà Nội chưa bàn giao phí bảo trì. Trong năm 2018, Hà Nội từng phải sử dụng phương án cưỡng chế phí bảo trì đối với 2 chủ đầu tư.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã ra thông báo về kết quả kiểm tra đối với công tác quản lý Nhà nước về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP. Hà Nội.
Theo số liệu công bố, tại Hà Nội hiện đang có hơn một nửa chung cư chưa được bàn giao phí bảo trì. Trong đó, có 254/492 chung cư thương mại, chiếm 52%; 33/82 chung cư tái định cư, chiếm 40%. Có 39 chung cư thương mại xảy ra tranh chấp về kinh phí bảo trì.
|
Cư dân tại một dự án ở Hà Nội tổ chức căng băng rôn phản đối chủ đầu tư chậm bàn giao phí bảo trì. Ảnh: Cư dân cung cấp |
UBND TP. Hà Nội trong năm 2018 đã yêu cầu 19 chủ đầu tư dự án chung cư trên địa bàn thực hiện bàn giao kinh phí bảo trì cho ban quản trị, thậm chí, còn ra quyết định cưỡng chế đối với 2 chủ đầu tư là Vinaconex 3, Sông Đà Thăng Long. Cùng với đó, TP cũng thông báo công khai danh sách 13 chủ đầu tư vi phạm về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết.
Tại phiên chất vấn Quốc hội trước đó, ông Phạm Hồng Hà khi trả lời câu hỏi của đại biểu về vấn đề tranh chấp chung cư đã cho biết, qua quá trình thanh tra, cơ quan này chưa phát hiện trường hợp nào lạm dụng quỹ bảo trì chung cư. Cụ thể, thanh tra xây dựng đã kiểm tra 92 dự án chung cư trên địa bàn TP. Hà Nội và xử phạt hành chính 1,3 tỷ đồng, đồng thời, yêu cầu 11 chủ đầu tư không bàn giao, hoặc chậm bàn giao phải có biện pháp khắc phục hậu quả.
Nhưng theo quan điểm của các đại biểu Quốc hội, hành vi chiếm đoạt quỹ bảo trì chung cư đã cấu thành tội phạm. Sở dĩ thanh tra xây dựng chưa phát hiện ra trường hợp nào là do năng lực của các cán bộ thanh tra còn yếu kém hoặc chưa làm hết trách nhiệm.
Cũng theo báo cáo của Bộ Xây dựng, vẫn còn 253 chung cư thương mại và 60 nhà tái định cư tại Hà Nội chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư và thành lập ban quản trị. Cùng với đó, còn có 154 chung cư thương mại chưa bàn giao diện tích sở hữu chung, dẫn đến phát sinh tranh chấp về diện tích chung - riêng tại 23 trường hợp, chiếm 4,7%.