Nhà tái định cư ở Hà Nội không chỉ có chất lượng thấp, thiếu và chậm. Trong giai đoạn khó khăn này, nhiều doanh nghiệp mượn quỹ nhà tái định cư của Thành phố nhưng nợ tiền thuê nhà
Nhà tái định cư ở Hà Nội không chỉ có chất lượng thấp, thiếu và chậm. Trong giai đoạn khó khăn này, nhiều doanh nghiệp mượn quỹ nhà tái định cư của Thành phố nhưng nợ tiền thuê nhà. Trong khi đó, những người dân phải rời khỏi căn hộ của mình đi tạm cư thì chẳng biết bao giờ mới có nhà để “tái định cư” theo đúng nghĩa.
Báo cáo của Sở Xây dựng TP Hà Nội cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang có tình trạng mượn quỹ nhà tái định cư của Thành phố để cho các gia đình trong diện thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp đến tạm cư. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này lại không nộp tiền thuê nhà theo đúng quy định. Cụ thể, tại dự án cải tạo nhà chung cư nguy hiểm C1 Thành Công, quận Ba Đình, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông I đã sử dụng 110 căn hộ thuộc quỹ nhà tại nhà N06 khu 5,3 ha Dịch Vọng, quận Cầu Giấy để phục vụ tạm cư cho các hộ gia đình từ tháng 11/2008 và đã ký Hợp đồng thuê nhà đến 31/12/2012 nhưng đến nay vẫn chưa nộp đủ tiền thuê nhà vào ngân sách theo quy định.
Cũng tại quận Đống Đa, dự án cải tạo nhà chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng, Công ty CP đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5 cũng chưa ký Hợp đồng thuê nhà và chưa nộp tiền thuê nhà vào ngân sách. Trong khi đó, tại dự án cải tạo nhà chung cư nguy hiểm C7 Giảng Võ, quận Ba Đình, Công ty CP Tư vấn HANDIC đã ký Hợp đồng thuê nhà song mới thanh toán tiền thuê nhà đến hết năm 2010.
Tương tự, tại dự án cải tạo khu tập thể Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng, Công ty CP Đầu tư và phát triển nhà số 7 Hà Nội đã sử dụng tới 254 căn hộ ở quận Hoàng Mai để tạm cư cho các hộ gia đình di dời từ khu tập thể Nguyễn Công Trứ. Mặc dù Thành phố đã có văn bản xác định giá thuê nhà nhưng đến nay Công ty vẫn chưa ký Hợp đồng thuê nhà và chưa nộp tiền thuê nhà vào ngân sách.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Tuấn, về nguyên tắc, các đơn vị đã được UBND TP bố trí quỹ nhà để tạm cư phải nghiêm túc thực hiện việc ký hợp đồng thuê nhà và nộp tiền thuê nhà vào ngân sách thành phố. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị này lại không chấp hành nghiêm túc, chưa nộp tiền thuê nhà từ ngày 1/1/2011 đến nay. Lý do mà các doanh nghiệp “nại” ra là đơn giá thuê nhà mới gây khó khăn cho phương án cân bằng tài chính của dự án và nảy sinh nhiều thắc mắc của các hộ gia đình tự nguyện nhận kinh phí lo nơi ở tạm cư.
Không chỉ nợ tiền thuê nhà của Thành phố hay triển khai chậm dẫn đến chậm giải phóng mặt bằng, các dự án nhà tái định cư còn “dính” đến nhiều sai phạm khác. Ví dụ như dự án xây nhà ở chung cư cao 15 tầng (nhà A1, A2) Kim Giang phục vụ di dân giải phóng mặt bằng của quận Thanh Xuân nhưng do sai phạm trong xây dựng nên đã bị dừng từ năm 2004. Đến 2008 quận Thanh Xuân đã đề nghị và được Sở Quy hoạch Kiến trúc chấp thuận điều chỉnh dự án để tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, do việc triển khai quá chậm, Sở Quy hoạch đã phải kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo quận Thanh Xuân đẩy nhanh tiến độ dự án sau khi đã có kết luận của Thanh tra.
Ngoài ra, còn một số dự án khác như dự án khu tái định cư phục vụ di dân khu ao Hoàng Cầu (quận Đống Đa) bị liệt vào danh sách dự án “triển khai rất chậm”; dự án Khu di dân giải phóng mặt bằng Khương Đình II (quận Thanh Xuân) thì có Hồ sơ quy hoạch chi tiết “chất lượng thấp”…
Minh chứng cho sự chậm trễ và hậu quả mà nó mang lại cho người dân, tại báo cáo của UBND quận Hai Bà Trưng, Phó Chủ tịch Lâm Anh Tuấn cho biết, nhiều bà con tạm cư rất bức xúc vì dự án nhà ở tái định cư chậm, tới nay vẫn chưa khởi công dù hàng trăm hộ dân đã phải đi tạm cư hơn 2 năm qua.
Mới đây, để triển khai tốt các dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư trên địa bàn Thành phố, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã kiến nghị UBND Thành phố tổ chức rà soát, thống kê toàn bộ các quỹ đất trong các khu chức năng đô thị, quỹ đất 20% trong các khu đô thị mới… kết hợp với báo cáo về quỹ đất tái định cư của các Quận, Huyện, Thị xã để xây dựng Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Đề án phục vụ nhu cầu tái định cư trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2020.
(Theo VnMedia)