UBND TP Hà Nội đã giao Sở Xây dựng chỉ đạo đơn vị tư vấn hoàn chỉnh quy hoạch các công viên, vườn hoa, hồ và quy hoạch xử lý chất thải rắn TP Hà Nội.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã giao Sở Xây dựng chỉ đạo đơn vị tư vấn hoàn chỉnh quy hoạch các công viên, vườn hoa, hồ và quy hoạch xử lý chất thải rắn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 để báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố trong tháng 9/2012.
Về quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ, Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu Sở Xây dựng và đơn vị tư vấn nghiên cứu kỹ đối tượng nghiên cứu quy hoạch là hệ thống công viên, vườn hoa, cây xanh và hồ, phạm vi nghiên cứu là đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái, sự kết nối với hành lang xanh, vành đai xanh và các khu vực khác trên toàn thành phố.
Quy hoạch này cần nghiên cứu đánh giá hiện trạng mật độ cây xanh từng vùng để tính toán bình quân m2/người, tính về mật độ mặt nước gồm sông, hồ để phân tích, tính toán chỉ tiêu lập quy hoạch, đảm bảo sự kết nối không tách rời nhau.
Trong đó quy hoạch công viên, vườn hoa cần đánh giá theo phân cấp thành phố, cấp quận, huyện và chức năng theo phân cấp. Hệ thống cây xanh cần nghiên cứu hiện trạng hệ thống cây xanh đô thị, đánh giá thực trạng để quy hoạch những loại cây phải thay thế dần, các loại cây cần phải giữ lại, đề xuất trồng những loại cây xanh để tạo nét đặc trưng cây xanh đô thị, tại các tuyến phố đô thị trung tâm hoặc trục đường giao thông hoặc các đô thị mới…
Hệ thống hồ cần nghiên cứu sâu về tiêu chí cảnh quan và môi trường, điều hòa thoát nước, đặc biệt là sự kết nối điều hòa giữa các hồ thuộc đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái.
Về quy hoạch xử lý chất thải rắn, Ủy ban Nhân dân thành phố giao Sở Xây dựng hướng dẫn, chỉ đạo đơn vị tư vấn hoàn thành quy hoạch, Công ty Trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên Môi trường đô thị chủ trì cung cấp số liệu, hiện trạng các loại chất thải rắn để làm cơ sở phân tích tính toán.
Quy hoạch chất thải rắn phải đồng bộ đối với chất thải y tế, chất thải công nghiệp và phân kỳ giai đoạn để thực hiện đến năm 2020 đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển chuyên ngành. Nghiên cứu bổ sung lộ trình sử dụng công nghệ xử lý cho từng giai đoạn đến năm 2020, 2030 tầm nhìn 2050.
Các nguồn vốn đầu tư phân kỳ gồm nguồn vốn ODA, ngân sách địa phương, xã hội hóa, BOT hoặc BTO và các hình thức đầu tư bằng nguồn vốn hợp pháp khác. Đồng thời bổ sung cơ chế chính sách, các giải pháp thực hiện, đặc biệt về đánh giá tác động môi trường, vị trí các khu xử lý rác, các trạm trung chuyển và phân tích chất lượng chất thải sau khi xử lý và tái chế, nghiên cứu tính toán khối lượng chất thải được xử lý và tái chế đến năm 2020.
(Theo TTXVN)