Theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Bộ Xây dựng và nhà tư vấn báo cáo Thường trực Thành Ủy thì khu vực Đô thị lõi trung tâm của Hà Nội sẽ được giới hạn bởi 8 quận nội thành cũ.
Theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Bộ Xây dựng và nhà tư vấn báo cáo Thường trực Thành Ủy thì khu vực Đô thị lõi trung tâm của Hà Nội sẽ được giới hạn bởi 8 quận nội thành cũ.
Đô thị lõi mở rộng ra các khu vực Đông Anh, Long Biên, Mê Linh và chuỗi đô thị vành đai 3-4. Năm đô thị vệ tinh có vị trí ở các khu vực khác nhau bên ngoài vành đai 4…
Phát triển lõi đô thị mở rộng
Theo đề xuất của nhà tư vấn, khu vực nội đô của Hà Nội sẽ được giới hạn bởi 8 quận nội thành cũ như sau: Phía Bắc và Đông giáp sông Hồng, phía nam là khu vực ga Giáp Bát, hồ Yên Sở và phía Tây là khu vực đường vành đai 3.
Quy hoạch đề xuất cho mở rộng Thủ đô Hà Nội năm 2030 đề xuất phát triển lõi đô thị mở rộng, 5 thành phố vệ tinh cũng như các khu vực bảo tồn kết hợp sự phát triển cân bằng với hành lang xanh, tạo không gian mở và mạng lưới công viên liền kề.
Lõi đô thị mở rộng gồm hai vùng chính - được ngăn cách bởi sông Hồng - bao quanh đô thị lõi Hà Nội và mở rộng ra đường vành đai 4. Ba đô thị vệ tinh mới sẽ nằm về vùng phía nam dọc theo bờ tây sông Hồng, một đô thị sẽ nằm phía Bắc đô thị lõi và sông Hồng. Hành lang xanh bao gồm một vùng trung tâm của khu vực nghiên cứu diện tích lớn cũng như là một phần lớn của khu vực phía nam. Mạng lưới công viên liền kề sẽ quy hoạch trong lõi đô thị mở rộng, cũng như trong các khu vực phát triển đô thị mới.
Theo Đề án quy hoạch, chuỗi đô thị vành đai 3 - 4 (khu đô thị mở rộng phía nam sông Hồng) sẽ là đô thị sinh thái mở rộng, nằm trong đô thị hạt nhân có tính chất là đô thị ở, dịch vụ và thương mại tài chính ngân hàng, vui chơi giải trí đô thị kết hợp với các không gian sinh hoạt văn hóa lịch sử quốc gia và vùng làng xóm ven đô để bảo tồn.
Đô thị Mê Linh, là trung tâm hành chính phía Bắc, được đề xuất với nét đặc trưng của đô thị là Đô thị “hoa” nên trên trục Thăng Long - Nội Bài sẽ được dành hành lang mỗi bên đường 20m để trồng hoa. Tại đây cũng sẽ bố trí khu vực triên lãm, hội chợ hoa và trung tâm khoa học công nghệ chuyên ngành hoa và cây.
Đề án quy hoạch đề xuất Đô thị Đông Anh - trung tâm hành chính thương mại phía Bắc sông Hồng sẽ phát triển trên cơ sở thị trấn Đông Anh (huyện lị huyện Đông Anh) hiện nay, mở rộng về 2 phía tuyến đường vành đai 3 Hà Nội. Tại đây, nhà tư vấn đề xuất ý tưởng phát triển hệ thống đầm, hồ, ao, sông, suối theo hướng khơi thông, mở rộng để khai tác loại hình giao thông taxi nước. Trên trục đường cao tốc Nhật Tân Nội Bài và Thăng Long sẽ bố trí các trung tâm thương mại giao dịch tài chính quốc tế, hội chợ quốc tế. Các công trình cao tầng được ưu tiên bố trí trên trục đường này.
Đô thị Long Biên - Gia Lâm được đề xuất là nơi phát triển mạnh các trung tâm dịch vụ chất lượng cao, hỗ trợ công nghiệp vùng phía đông - vùng thủ đô Hà Nội (Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương). Khu vực này dự kiến sẽ có quy mô dân số đô thị vào năm 2030 là 70 vạn người và quy mô đất tự nhiên vào khoảng 8000 ha.
Hòa Lạc: Trung tâm hành chính Trung ương mới
Quy hoạch chung đề xuất phát triển 5 đô thị vệ tinh ngoài Đô thị lõi, trung tâm đô thị mở rộng và hành lang xanh, trong đó mỗi đô thị sẽ có một đặc điểm riêng và tồn tại như là một đô thị tự phục vụ. Một tuyến đường ô tô và mạng lưới giao thông với đầy đủ chức năng sẽ liên kết các khu đô thị mới với nhau và với đô thị lõi.
Sóc Sơn là thành phố vệ tinh duy nhất dự kiến nằm ở phía bắc sông Hồng. Thành phố này sẽ phục vụ các khu công nghiệp ở phía Bắc sông Hồng và phát triển quanh sân bay Nội Bài. Khung quy hoạch cho Sóc Sơn đòi hỏi phải có diện tích đất gần 5.500ha, và cung cấp chỗ ở cho gần 286.000 người. Đề xuất của nhà tư vấn là xây dựng một tuyến giao thông nhanh liên kết Sóc Sơn với Tuyến 2 của hệ thống Giao thông nhanh đô thị quy hoạch sẽ giúp những người dân đi làm có thể đi đến Sân bay Nội bài và đô thị lõi nhanh hơn và thuận tiện hơn.
Phú Xuyên nằm ở bờ tây sông Hồng, cách đô thị lõi khoảng 22km về phía Nam. Theo bản quy hoạch lần này thì ngoài những quốc lộ lớn hiện có, thành phố vệ tinh này sẽ là đối tượng phục vụ của hai đường cao tốc chính mới: một đại lộ chạy từ phía nam đường vành đai 4 theo hướng nam đến thành phố vệ tinh, cũng như một đại lộ nam bắc chạy từ Quốc lộ 32 qua hành lang xanh và kết thúc ở quốc lộ 1A (hoặc 1B). Phú Xuyên cũng được đề xuất xây dựng Tuyến 1 mở rộng của Hệ thống giao thông nhanh đô thị.
Xuân Mai là một thành phố vệ tinh dự kiến nằm ở phía tây hành lang xanh. Trung tâm đô thị sẽ cách đô thị lõi khoảng 18km về phía tây. Quốc lộ 6 được coi là tuyến huyết mạch kết nối Xuân Mai với đô thị lõi. Ngoài ra, dự kiến xây dựng một đại lộ đông tây làm tuyến phụ bắt đầu từ Đường vành đai 4 và kết thúc ở Đường mòn Hồ Chí Minh, dự kiến dọc theo ranh giới phía Tây của Xuân Mai.
Sơn Tây là thành phố được kết nối với đô thị lõi qua quốc lộ 32. Nhà tư vấn đã đề xuất xây dựng một đại lộ đông tây thành tuyến nhánh của quốc lộ 32, chạy từ đường Vành đai 4 đến thành phố vệ tinh mới. Với lợi thế rừng Ba Vì và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, Sơn Tây được đề xuất phát triển mạnh du lịch cũng như các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giải trí.
Hòa Lạc được dự kiến sẽ là khu vực lớn nhất trong số các khu đô thị mới. Trung tâm đô thị sẽ được bố trí ở phía tây hành lang xanh, cách đô thị lõi khoảng 35km về phía tây. Đặc điểm của Hòa Lạc sẽ được xác định một phần bằng ba chủ đầu tư lớn của nó: Đại học quốc gia, khu công nghệ cao, và trong tương lai là trung tâm hành chính trung ương.
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, đây là báo cáo lần 3 của đề án. Theo đúng kế hoạch thì đề án sẽ được Bộ báo cáo trước Quốc hội vào tháng 5/2010 để đề án được thông qua trước ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (10/10/2010). Sau đó, mô hình quy hoạch Hà Nội mới sẽ được trưng bày công khai tại Cung Quy hoạch (đang được xây dựng sau Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình) để mọi người dân Thủ đô và nhân dân cả nước tham quan, góp ý.
(Theo Vnmedia)