"Trục Thăng Long bắt đầu từ Hoàng Quốc Việt, kéo dài 30 km tới chân núi Ba Vì. Dưới tầng ngầm của trục này sẽ là tàu điện ngầm, siêu thị... để con cháu chúng ta có thể vui chơi giải trí, mua sắm vào cuối tuần", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho biết về quy hoạch Hà Nội.
"Trục Thăng Long bắt đầu từ Hoàng Quốc Việt, kéo dài 30 km tới chân núi Ba Vì. Dưới tầng ngầm của trục này sẽ là tàu điện ngầm, siêu thị... để con cháu chúng ta có thể vui chơi giải trí, mua sắm vào cuối tuần", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho biết về quy hoạch Hà Nội.
- Điểm mới của dự thảo Đồ án quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030 là xây dựng trục Thăng Long, ý tưởng xây dựng trục này là gì, thưa ông?
- Trục Thăng Long bắt đầu từ Hoàng Quốc Việt, kéo dài 30 km tới chân núi Ba Vì. Mục đích phát triển giao thông là số một. Thứ hai là kết nối văn hóa xứ Đoài ở Sơn Tây, Phúc Thọ với văn hóa Thăng Long ở đô thị trung tâm. Trên trục đó, chuỗi vành đai 3 dài 3,5 km sẽ quy hoạch các công trình bảo tàng, đài Độc Lập, ghi lại những câu chuyện lịch sử của Thăng Long, xứ Đoài, cũng là khu vui chơi giải trí cho người dân. Mật độ xây dựng ở đó rất ít, song tập trung nhiều công trình hiện đại của cả nước.
Dưới tầng ngầm của trục Thăng Long này sẽ là tàu điện ngầm, có siêu thị, cửa hàng... Nay mai con cháu chúng ta có thể vui chơi giải trí, mua sắm vào cuối tuần.
- Vậy khi nào thì trục Thăng Long được xây dựng?
- Có thể xây dựng ngay từ năm 2011 chứ không thể để đến 2030 mới làm, bởi trục Thăng Long giải quyết tốt giao thông phía Tây thành phố. Có tuyến đường này thì giao lưu công nghiệp hàng hóa sẽ tốt hơn. Các vùng nông thôn này trông chờ trục đường để xóa chênh lệch thu nhập với khu trung tâm.
- Đồ án quy hoạch chung đưa ra mục tiêu giảm tải dân cư trong nội thành Hà Nội, giải pháp cụ thể thế nào, thưa ông?
- Toàn bộ chuỗi đô thị theo vành đai 4 sẽ là các khu đô thị mới, chỉ xây nhà cao tầng để đón người dân nội đô đến sinh sống. Hiện người dân các khu tập thể cũ ở nội thành chưa ra đó bởi thành phố chưa xây dựng được các khu chung cư mới thỏa mãn về hạ tầng, cây xanh, vui chơi giải trí, cơ hội làm việc. Thủ tướng đã chỉ đạo giảm chiều cao, giảm mật độ tại các dự án cải tạo khu tập thể cũ trong nội đô.
Với khu vực giữa đô thị trung tâm và đô thị chuỗi sẽ triển khai các dự án sinh thái, nhiều cây xanh mặt nước, không xây nhà cao tầng ở các khu vực này. Có những đô thị như Washington, Paris, người ta phải đi qua một cánh rừng mới tiếp tục đến đô thị. Còn những đô thị như Tokyo đã xây dựng kín tất cả khu vực lõi.
- Theo ý tưởng quy hoạch, trụ sở các bộ ngành trước mắt sẽ đặt ở Mỹ Đình, song sau năm 2030 sẽ di chuyển lên Ba Vì. Ông nghĩ sao trước ý kiến cho rằng việc này sẽ gây lãng phí?
- Hiện nhiều bộ ngành đã có dự án chuyển ra Mỹ Đình, chỉ còn 7 bộ ngành chưa có. Đến năm 2030-2050 chúng ta xây dựng trung tâm hành chính tại Ba Vì thì các công trình ở Mỹ Đình lại trở thành văn phòng. Các doanh nghiệp có thể mua lại và chuyển đổi. Không có gì gọi là lãng phí.
- Nguồn vốn hàng chục tỷ USD để đầu tư hạ tầng theo quy hoạch sẽ huy động như thế nào, thưa ông?
- Đầu tư cho hạ tầng ước tính khoảng 60 tỷ USD. Chúng ta sẽ thực hiện đổi đất lấy hạ tầng, như xây dựng vành đai 4 không cần vốn từ ngân sách mà doanh nghiệp làm đường sau đó đổi cho các khu đất và làm theo quy hoạch.
Hà Nội vẫn có nhiều đất, không sợ hết mặc dù triển khai hơn 700 dự án. Vấn đề là các dự án đó phải đưa vào quy hoạch, sắp xếp lại và điều chỉnh phù hợp quy hoạch kinh tế xã hội. Ví dụ không thể tập trung bệnh viện vào một chỗ hay nhà ở vào một chỗ riêng.
- Có ý kiến nghi ngờ về tính khả thi của quy hoạch, liệu trong 40 năm có hoàn thành được các dự án đúng theo quy hoạch?
- Đó là bài toán của các nhà quản lý, cũng như thiết kế một cái nhà song xây dựng đúng hay không là do chủ nhà. Theo tôi, cần tăng cường biện pháp quản lý, và có quy chế phù hợp có tính thực tiễn. Hiện không thể nói trước chúng ta có xây dựng đúng theo quy hoạch hay không.
(Theo Vnexpress)