Tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài là cửa ngõ đối ngoại phía Bắc của Thủ đô
Hà Nội, kết nối với quốc tế thông qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài
Tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài là cửa ngõ đối ngoại phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, kết nối với quốc tế thông qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Đó cũng là trục tạo động lực phát triển kinh tế khu vực phía Bắc sông Hồng.
Tuyến đường dài 12,1km đi qua các xã Vĩnh Ngọc, Tàm Xá, Hải Bối, Xuân Canh, Vân Nội, Tiên Dương, Bắc Hồng, Nguyên Khê và thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh) và các xã Phú Minh, Mai Đình, Phủ Lỗ (huyện Sóc Sơn). Việc xây dựng hai bên tuyến đường gắn liền với Trung tâm dịch vụ hàng không, hậu cần của sân bay Nội Bài; Trung tâm hội chợ triển lãm thương mại quốc tế; Trung tâm giáo dục, khoa học, y tế, văn hóa; Trung tâm tài chính giao dịch quốc tế; các khu nhà ở cao cấp, làng xóm đô thị hóa; khu làng văn hóa ASEAN.
Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài, tỷ lệ 1/500 đã được Hà Nội nghiên cứu (đang lập thẩm định các phân đoạn hồ sơ quy hoạch chi tiết), với định hướng tạo điểm nhấn của Thủ đô gắn với các trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, trung tâm văn hóa khu vực ASEAN…
Tuy nhiên, để sớm hình thành tuyến đô thị hiện đại dọc hai bên tuyến đường, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đang giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với các ngành hoàn thiện cơ chế chính sách đặc thù đầu tư các dự án thành phần khu vực phát triển đô thị hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài.
Theo đó, trên cơ sở quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết xây dựng hai bên tuyến đường đã được phê duyệt, lập kế hoạch tổng thể, xác định danh mục các dự án hạ tầng kỹ thuật khung, các dự án phát triển đô thị lớn theo khu vực, phân kỳ đầu tư các dự án thành phần theo từng giai đoạn trên nguyên tắc dự án phát triển trước tạo động lực cho dự án tiếp theo.
Tiếp đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư phải xác lập khái toán tổng vốn đầu tư của các dự án hạ tầng kỹ thuật khung và các dự án thành phần phát triển đô thị. Nguồn vốn nhà nước chủ yếu tập trung cho chuẩn bị đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật khung, còn lại sử dụng nguồn vốn xã hội hóa.
Việc lựa chọn chủ đầu tư sẽ tập trung vào hai tiêu chí chính là năng lực tài chính và hiệu quả kinh tế - xã hội trong phương án đề xuất của nhà đầu tư. Các phương thức đầu tư có thể đa dạng hóa từ: BT, BOT, BTO, PPP, BOO…nhằm thực hiện các dự án phát triển đô thị quy mô lớn, theo mô hình đầu tư đồng bộ từ hạ tầng kỹ thuật đến công trình kiến trúc.
Theo Hanoimoi