Hà Nội sẽ tăng mức xử phạt vi phạm trong nội đô và tịch thu phương tiện của người điều khiển có hành vi đua xe trái phép.
> Sẽ áp dụng mức phạt kỷ lục với người vi phạm luật giao thông
Hà Nội sẽ tăng mức xử phạt vi phạm trong nội đô và tịch thu phương tiện của người điều khiển có hành vi đua xe trái phép.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội vừa có văn bản đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 34/2010/NĐ-CP theo hướng nâng mức xử lý vi phạm cao hơn hiện nay để đảm bảo tính răn đe, tăng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm trong nội đô đô thị lên gấp 2 lần so với hiện nay, cho phép tịch thu phương tiện đua trái phép...
Đề xuất trên được Hà Nội gửi Bộ GTVT và Bộ Tư pháp về sơ kết áp dụng mức phạt thí điểm đối với một số vi phạm quy định về giao thông đường bộ tại Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 của Chính phủ.
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, trong thời gian qua, tai nạn giao thông trong nội thành giảm cả 3 tiêu chí, tình trạng ùn tắc giao thông cũng giảm. Các trường hợp vi phạm sau khi xử phạt đều chấp hành nghiêm. Việc nâng mức phạt tại các đô thị lớn đã có tác dụng răn đe, nhiều trường hợp không dám tái phạm.
Tuy nhiên, tại Hà Nội, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật như sử dụng camera cưỡng chế, phát hiện, xử lý vi phạm chưa phát huy hiệu quả do số camera được trang bị còn quá ít (hiện chỉ có 34 camera quan sát, một camera cưỡng chế) đặt tại các nút giao thông trọng điểm trong nội đô.
Lý giải cho việc nâng các mức xử phạt do không phù hợp, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội cho rằng, quá trình thực hiện cho thấy một số lỗi vi phạm như vượt đèn tín hiệu giao thông, đi xe một bánh, không chấp hành sự chỉ huy, hướng dẫn của lực lượng làm nhiệm vụ nhưng không có hình thức tạm giữ phương tiện nên tính chất răn đe còn hạn chế, trong khi đó chế tài xử lý phạt tiền cao nên có tình trạng người điều khiển xe mô tô không chấp hành quyết định xử phạt như: Bỏ giấy phép lái xe để xin cấp, thi lại lấy giấy phép mới (do số tiền phạt cao hơn lệ phí thi mới).
Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố cũng nhận định, hiện một số điều như điều 8, 9, 24, 37, 38 tại Nghị định 34 quy định mức xử phạt thấp, chưa tương xứng với lỗi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc và tai nạn giao thông như: Không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm đối với xe liền kề phạt 100.000 đồng đến 200.000 đồng; lái xe mô tô không chấp hành tín hiệu giao thông phạt từ 100 đến 200 ngàn đồng (đối với ngoại thành) và 300 – 500 ngàn (đối với nội thành); chống người thi hành công vụ phạt cao nhất đến 4 triệu đồng đồng; không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông phạt cao nhất 1,4 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 30 ngày.
Ngoài ra, trong Nghị định 34, một số điều 11, 12, 15, 18, 20 một số hành vi khó xử lý như người đi xe đạp sử dụng ô; xe thô sơ đi 2 xe trở lên phạt từ 40.000 - 60.000 đồng. Đặc biệt, theo lãnh đạo Hà Nội, mức xử phạt vi phạm chung cho các hành vi chiếm dụng đường phố để kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày bán hàng hóa là 20 triệu đến 30 triệu đồng gây khó khăn cho việc xử lý vì tính chất của các hành vi vi phạm khác nhau.
Để đảm bảo an toàn giao thông và thực hiện đúng Luật giao thông, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 34/2010/NĐ-CP theo hướng nâng mức xử lý vi phạm cao hơn hiện nay để đảm bảo tính răn đe, cho phép tịch thu phương tiện do người điều khiển vi phạm như đua xe trái phép.
Hà Nội cũng đề nghị có hình thức tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính đến 10 ngày đối với các hành vi vi phạm: Không chấp hành hiệu lệnh của Cảnh sát giao thông, đi ngược chiều trong đường một chiều, chở quá số người quy định từ 50% trở lên so với số người quy định được phép chở tại các điểm g, h, khoản 3 Điều 8; điểm b, khoản 4 Điều 8; điểm a, đ, h, i, khoản 3 Điều 9; điểm g khoản 4 và khoản 2, khoản 3 Điều 26.
(Theo Infonet)