Hà Nội có một con đường dù ngày hay đêm, dù mưa hay nắng suốt bốn mùa
đều xanh mát, yên ả. Con đường ấy là nơi ghi lại những dấu tích lịch sử
của vùng đất kinh kỳ Thăng Long xưa – Đó là đường Hoàng Diệu
> Hà Nội trên con phố
Hà Nội có một con đường dù ngày hay đêm, dù mưa hay nắng suốt bốn mùa đều xanh mát, yên ả. Con đường ấy là nơi ghi lại những dấu tích lịch sử của vùng đất kinh kỳ Thăng Long xưa – Đó là đường Hoàng Diệu
Đường Hoàng Diệu dài 1,3 km, nối liền 2 phố Phan Đình Phùng và Nguyễn Thái Học. Xưa kia, con đường này chạy dọc theo cạnh phía Tây của khu vực Hoàng cung trong thành Thăng Long đời Nguyễn).
“Hoàng Diệu” là tên một vị quan nổi tiếng yêu nước thương dân dưới triều nhà Nguyễn, ông được thờ trong đền trên gò Đống Đa với câu đối:
“Kia thành quách, kia non sông, trăm trận phong trần còn thước đất
Là trời sao, là sông núi, mười năm tâm sự với trời xanh”.
Tên Hoàng Diệu được đặt cho con đường này từ sau Cách mạng tháng 8 năm 1945.
Đường Hoàng Diệu – Nơi hội tụ dấu tích nghìn năm văn hiến
Trên con đường trải dài với những bóng cây cổ thụ xanh mát đổ bóng xuống từng ngôi nhà góc phố, một phần Hà Nội xưa đang tồn tại như những dấu tích minh chứng cho chiều sâu văn hóa của đất kinh kỳ. Hoàng Diệu đã trở thành nơi lưu giữ hồn xưa thành cổ với di tích Hoàng thành Thăng Long.
Phần lớn diện tích khu Hoàng thành trải dài trên đường Hoàng Diêu với toàn bộ khu vực khảo cổ học rộng hơn 18ha và phần bao bọc phía Tây khu thành cổ (phía Bắc là đường Phan Đình Phùng, phía Nam là đường Điện Biên Phủ, phía Đông là đường Nguyễn Tri Phương).
Khu vực này nằm trong Trung tâm Hoàng thành Thăng Long và Cấm thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng và thành Hà Nội thời Nguyễn. Chính tại nơi đây, nhiều triều đại liên tục kế tiếp nhau trên một phần thành cũ của Cao Vương mà trong "Chiếu dời đô" của Lý Thái Tổ vào mùa thu năm 1010 đã nhắc tới. Với đặc trưng kiến trúc cùng khối lượng đồ sộ các loại di vật của các thời kỳ lịch sử, di tích khảo cổ (18 Hoàng Thành) trở thành nơi lưu giữ, ghi lại những vết tích văn hóa đặc sắc.
Bao nhiêu năm tháng đã trôi qua, dấu tích thời gian làm dày thêm những mắt cây cổ thụ hay rêu phong xanh hơn trên mỗi góc tường thành, nhưng những nét đẹp văn hóa thể hiện qua từng di vật lịch sử trong di tích trên đường Hoàng Diệu vẫn sống mãi. Những di vật này trở thành một nét riêng trên đường Hoàng Diệu và niềm tự hào của người dân thủ đô.
Đường Hoàng Diệu – Nơi kiến trúc Pháp chạy dọc suốt dòng thời gian
Nếu những dấu tích Hà Nội cổ còn lại trên đường Hoàng Diệu là Hoàng thành trầm lắng, là cổng Đoan môn sừng sững, thì những ngôi biệt thự được xây theo kiến trúc Pháp chính là những vết dấu còn lại của một Hà Nội xưa.
Dọc bên dãy nhà số chẵn là rất nhiều những ngôi biệt thự cổ kính được xây theo kiến trúc Pháp. Nét kiến trúc nhẹ nhàng, tinh tế đã làm tôn thêm vẻ đẹp trầm lắng cho con đường. Cuối thế kỷ thứ 19, ngay từ khi đặt chân đến Việt Nam người Pháp đã cho xây dựng và phát triển Hà Nội với tham vọng dựng "một Pari thu nhỏ trong lòng Đông Dương" để thỏa nỗi nhớ của người xa xứ.
Ấn tượng khu biệt thự Pháp trên đường Hoàng Diệu mạnh đến nỗi, dù chen lấn giữa những ngôi biệt thự ấy là bóng dáng những biệt thự của người Hoa, hay biệt thự do KTS người Việt thiết kế nhưng chỉ ai tinh ý mới nhận ra.
Điều đặc biệt hơn, trên con đường mang tên Hoàng Diệu - người anh hùng đã quyết tử với thủ đô thân yêu có một ngôi biệt thự là nơi sinh sống, làm việc suốt hơn nửa thế kỷ của vị anh hùng dân tộc – đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ngôi nhà của đại tướng (số 30 đường Hoàng Diệu) là trung tâm của cụm di tích lịch sử văn hoá, nằm giữa khu phố kiến trúc Pháp điển hình của Hà Nội. Nhà hai tầng lợp ngói nằm nép mình dưới những tán lá. Thừa hưởng nghệ thuật điêu khắc châu Âu nên các hoạ tiết, đường nét hài hoà cân đối trong cái tổng thể của kiến trúc và cảnh quan xung quanh.
Khu vườn lớn phía trước rất rộng, tạo nên một vùng tiểu khí hậu thoáng mát. Sân sau có một vườn nhỏ. Một giàn phong lan với nhiều màu vào những ngày cuối năm, góp thêm nét thanh cao trong tâm hồn chủ nhân. Điều đặc biệt là khuôn viên ngôi nhà theo kiến trúc Pháp, vẫn giữ nguyên dáng vẻ và không gian kiến trúc nguyên thuỷ của nó.
Ngôi biệt thự kiểu Pháp này đã trở thành nơi lưu giữ rất nhiều hiện vật vô cùng quý giá nói lên tình cảm của quân và dân ta cũng như nguyên thủ và nhân dân nhiều nước trên thế giới đối với Đại tướng.
Biệt thự của Đại tướng cùng với nhiều ngôi biệt thự trên đường Hoàng Diệu và hệ thống biệt thự kiểu Pháp trên các đường phố: Phan Đình Phùng, Nguyễn Cảnh Chân, Trần Phú, Lê Hồng Phong…, đã làm nên môt “bức tranh biệt thự cổ” mà chỉ Hà Nội mới có.
Và Đường Hoàng Diệu - Nơi khoảng xanh còn mãi giữa lòng Hà Nội
Hình ảnh phố Hoàng Diệu trầm mặc nằm nghiêng mình dưới hàng xà cừ xanh mát và những ngôi biệt thự kiến trúc Pháp cổ đẹp nổi tiếng của Hà Nội đã thật thân quen. Người dân Hà Thành luôn tự hào về tổng thể kiến trúc hài hoà và duyên dáng của con phố này. Những hàng cây xà cừ cao lớn, phủ bóng mát rợp kín con phố dài. Những căn biệt thự cổ kính trầm mình sau những khu vườn xanh tốt được thiết kế riêng từ thời Pháp thuộc. Khu cổng rêu phong của Hoàng thành Thăng Long dịu dàng bóng nắng.
Đi trên con đường xanh mát, người dân Hà Thành lại được trở về với những hoài niệm lịch sử và tinh thần anh dũng của những thế hệ đi trước đã và đang thấm đẫm trong mỗi góc đường, hàng cây Hà Nội hôm nay.
Tất cả nét cũ xưa phối hợp hoà quyện trong nhau, trở thành một nét đẹp rất riêng của Hà Nội, nơi mỗi người có thể tìm thấy ở đó những cảm xúc lắng dịu và một phần linh hồn của mảnh đất ngàn năm văn hiến này.
Khi đến và đi trên con đường này, tất cả mọi ồn ào, tấp nập của phố xá như chìm đi, lắng xuống. Trong không gian thanh tĩnh, trong lành mỗi người đều tìm được một nét riêng, một khoảng xanh bình yên giữa lòng Hà Nội.
Trên đường Hoàng Diệu ngày nay, sự giao hòa giữa không gian và thời gian trong dòng chảy văn hóa, mạch nguồn của đất kinh kỳ Thăng Long vẫn được lưu giữ và chảy mãi đến mai sau.
Lê Hoa