Phố Hàng Bạc là một trong những con phố đặc biệt nhất của Hà Nội với chiều sâu văn hóa nghề, văn hóa tâm linh và văn hóa dân tộc
Phố Hàng Bạc là nơi tập trung những người thợ kim hoàn tạo ra nhiều món đồ trang sức nổi tiếng của Hà Nội. Con phố này đồng thời cũng là nơi lưu giữ và bảo tồn nhiều giá trị văn hóa thiêng liêng cùa đất Kinh kì cho đến ngày nay.
Phố Hàng Bạc: nơi lưu giữ thời gian của nghề
Căn cứ theo nội dung ghi tạc trên tấm bia đặt tại đình Dũng Hãn (ở số 42 Hàng Bạc ngày nay) thì phố Hàng Bạc được thành lập vào thời nhà Lê hoặc sớm hơn một chút. Thời kỳ này, Hàng Bạc thuộc về phường Đông Các, huyệnThọ Xương. Đến thế kỷ XIX, vào thời Nguyễn, đất Hàng Bạc thuộc thôn Dũng Thọ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Thời Pháp thuộc - Phố Hàng Bạc còn có tên tiếng Pháp là Rue de changeurs (tức là phố Đổi Bạc). Từ năm 1945 phố được đổi tên thành Hàng Bạc.
Tương truyền năm 1461, dưới thời Lê Thánh Tông, quan thượng thư bộ lại Lưu Xuân Tín, người làng Trâu Khê (nay thuộc huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Dương), được nhà vua cho phép mở lò đúc bạc nén cho triều đình. Ông đem người trong họ hàng và nguời làng ra Thăng Long mở phường đúc bạc. Lưu Xuân Tín được xem là ông Tổ của nghề đúc tiền, bạc. Trường đúc xưa nằm ở số nhà 58 Hàng Bạc ngày nay.
Ðến đầu thế kỷ 19, dưới triều Nguyễn, xưởng đúc bạc nén chuyển vào Huế. Phần lớn thợ Trâu Khê vẫn ở tại Thăng Long làm nghề kim hoàn, họ lập thành phường thợ tại đây. Lúc này ở phố Hàng Bạc còn có cả thợ vàng bạc ở Ðịnh Công và Ðồng Xâm tới lập nghiệp, phát triển thành ba nghề khác nhau: nghề đúc bạc nén, nghề kim hoàn và nghề đổi tiền.
Dân các làng đến Hàng Bạc theo họ hàng, làng xóm với nhau, và họ sống quần cư tại một điểm, một phường. Mỗi làng lại chuyên một nghề, vì thế ở con phố này có người thì chuyên sản xuất, người thì chuyên mua bán... làm cho con phố này lúc nào cũng tấp nập. Ngày xưa, khi người dân ở các làng lên đây lập nghiệp, họ đều dựng đình để làm nơi hội họp, tế lễ. Ví dụ như người dân làng Trâu Khê đã dựng ngôi đình Trương Thị và đình Kim Ngân để hội họp, cho đến cuối thế kỷ 19, khi dân làng Trâu Khê lên lập nghiệp ngày càng đông thì ngôi đình Trương Thị và đình Kim Ngân không đủ chỗ cho dân làng hội họp tế lễ nên họ đã mua Nội Miếu ở thành Hài Tượng (nay là số 30 phố Hàng Giầy) để làm đền thờ Vọng. Dân làng Định Công thì lập đền thờ 3 ông tổ nghề Kim Hoàn là: Trần Điền, Trần Điện và Trần Hoàn, và hàng năm cứ vào ngày 12/2 âm lịch dân làng Định Công lại mở hội tưởng nhớ công lao 3 người thầy nghề Kim Hoàn. Người làng Đồng Xâm lên đây ít nên chưa có điều kiện lập đình miếu. Nên hàng năm vào ngày giỗ tổ người dân làng Đồng Xâm ở Hà Nội đều về làng gốc dự hội.
Ở Hàng Bạc, từ xưa dân đã quen sống theo cụm làng. Dân ở đoạn đầu phía đông Hàng Bạc đa phần là người Trâu Khê xưa, ngoài ra có một số làm nghề bán hàng cơm chứa trọ (họ ở lan cả sang đầu phố Mã Mây và ngõ Phất Lộc), vì chỗ đó ngày trước giáp bến sông, thuyền mành cập bến, chủ mành ở lại lâu phải có chỗ trọ. Đoạn cuối phố ở phía tây, từ ngã tư Tạ Hiện - Đinh Liệt đến ngã tư Hàng Đào - Hàng Bồ là nơi tập trung của người làng Định Công di cư ra Thăng Long. Họ chuyên nhận đặt làm những đồ nữ trang như khuyên vàng, xà tích bạc, vòng xuyến, hoa, hột bằng vàng, hoặc khánh, vòng...
Phố Hàng Bạc là nơi tập trung những người thợ kim hoàn giỏi tạo ra nhiều đồ trang sức tinh sảo và đẹp, nổi tiếng trong và ngoài nước. Những đặc điểm nổi bật của sản phẩm chế tác nơi đây là tạo dáng nghệ thuật, tạo văn (nét chìm, nét nổi) tinh xảo và sinh động. Với đồ nghề thủ công, người thợ kim hoàn ở phố Hàng Bạc đã làm ra nhiều sản phẩm vàng bạc tinh xảo theo các mẫu trang trí nhất định như: Tứ linh, Tứ quý, Lưỡng long chầu nguyệt, Bát vật, Bát bảo…
Phố Hàng Bạc lưu giữ tinh hoa phố cổ Hà Nội
Phố Hàng Bạc ngày nay thuộc phường Hàng Bạc,quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Toàn phố có chiều dài khoảng gần 0,5 km nằm theo hướng Đông - Tây. Đầu phố phía Tây là ngã tư giáp với các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bồ. Đầu phố phía đông giáp các phố Hàng Bè, Hàng Mắm và ngõ Phất Lộc.
Là một trong những phố trung tâm của khu phố cổ Hà Nội, phố Hàng Bạc tuy có nhiều thay đổi nhưng cơ bản vẫn bảo tồn một không gian phố nghề cho tới ngày nay. Ở đây, ngày nay buôn bán kinh doanh và sản xuất mỹ nghệ kim hoàn, đồ nữ trang vẫn là ngành nghề chính, Hàng Bạc trở thành con phố kim hoàn của Hà Nội. Tại con phố sầm uất này vẫn tiếp tục có những thế hệ cha truyền con nối với nghề sản xuất mỹ nghệ kim hoàn.
Không chỉ là không gian lưu giữ phố nghề, Hàng Bạc ngày nay còn được biết đến như một không gian điển hình của phố cổ Hà Nội. Kiến trúc của phố Hàng Bạc có hai dạng đặc thù là loại nhà hình ống và loại nhà gác mái chồng diêm. Những ngôi nhà hình ống với bề dài, rộng tuy có hạn, nhưng lại vẫn tạo được khoảng không gian, ở đó có nơi để thờ cúng, có nơi để nghỉ ngơi, sản xuất và buôn bán, nhưng vẫn rất thông thoáng có đủ lượng ánh sáng chiếu vào. Nhà chồng diêm thì khác hẳn: là loại nhà hai tầng không hoàn toàn với gác xép có cửa giả hay cửa cỡ nhỏ hoặc cửa tròn mở ra phố. Loại nhà này ngoài mái ngói nghiêng xuống mặt phố còn có mái tranh vẩy thêm ra hè. Hai đầu hồi xây vài ba bậc, có đường chỉ hay đường triện đơn giản. Bờ nóc hai mái hơi cong lên ở hai đầu và gờ trang trí. Kết thúc ở hai đầu góc mái là cái đầu xây trang trí gạch bằng chỉ. Với lối kiến trúc này làm cho phố Hàng Bạc khác hẳn với những con phố khác của Hà Nội.
Đặc biệt những di tích có mặt dày đặc ở con phố này làm cho Hàng Bạc thêm vừa cổ kính vừa tâm linh. Khách du lịch quốc tế khi đến Hà Nội bao giờ họ cũng chọn Hàng Bạc làm một trong những điểm dừng chân lâu nhất. Những di tích lịch sử ở phố Hàng Bạc được thống kê là nhiều bậc nhất trong các phố cổ của Hà Nội như: những di tích về phường nghề như số nhà 58, xưa là Trang xưởng đúc bạc nén, số nhà 50 là Ðình Thượng (Trương Đình) và số 42 là Ðình Hạ (Kim Ngân Đình) thuộc những điểm giao dịch thu nhận bạc nén thành phẩm, nhà thờ tổ nghề kim hoàn Định Công - số nhà 51…
Phố Hàng Bạc còn đó nỗi niềm Ca Trù
Phố Hàng Bạc với người Hà Nội ngày nay còn là không gian văn hóa đặc biệt nâng niu những giá trị văn hóa nghệ thuật của dân tộc, đặc biệt là Ca Trù.
Tại đình Kim Ngân (số 42 phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm), CLB Ca trù Hà Nội do đào nương Lê Thị Bạch Vân, cán bộ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội sáng lập hoạt động thường kỳ vào 20 giờ chủ nhật hằng tuần. Việc tổ chức biểu diễn hằng tuần tại phố cổ Hà Nội là một nét sinh hoạt văn hoá hấp dẫn của người dân thủ đô và góp phần làm sống lại nghệ thuật ca trù - di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.
Với thời lượng 60 phút, mỗi đêm ca trù đã thực sự là nơi ngưng tụ không gian và thời gian của văn hóa Việt phục vụ du khách và người yêu ca trù dân tộc.
Chính những dấu ấn của văn hóa ngàn năm và sự trân trọng của thời đại với lịch sử đã khiến phố Hàng Bạc ngày nay luôn được khoác tấm áo cửa sự trầm kính, uy nghiêm.
Nguyễn (tổng hợp)