TP.HCM và Hà Nội đứng đầu cả nước về tỷ lệ điều chỉnh quy hoạch cục bộ, lần lượt là 40% và 70%. Riêng TP.HCM có tới 181 dự án điều chỉnh quy hoạch tính từ ngày 1/7/2014 tới hết năm 2018.
Báo cáo giám sát đất đai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tại Việt Nam hiện nay, không ít thành phố lớn đang rơi vào tình trạng quá tải bởi sự gia tăng chóng mặt của mật độ nhà cao tầng trong khi hạ tầng chưa theo kịp.
|
Cả nước hiện có gần 1.400 dự án được điều chỉnh quy hoạch. |
Báo cáo chỉ rõ, tại TP.HCM và Hà Nội, quỹ đất giao thông chỉ chiếm tỷ lệ 9% trong khi quy hoạch đối với các thị trấn phải đạt từ 16-20%, đô thị vệ tinh là 18-23%, đô thị trung tâm đạt 20-26%. Tỷ lệ đất dành cho đỗ xe theo yêu cầu cần đạt từ 3-4% nhưng trên thực tế chỉ đạt dưới 1%.
Sở dĩ xảy ra tình trạng nêu trên là bởi quy hoạch tại nhiều địa phương bị điều chỉnh, phá vỡ. Toàn quốc hiện có gần 1.400 dự án đã được điều chỉnh quy hoạch. Thậm chí, có những dự án điều chỉnh quy hoạch đến 5-6 lần.
Các đại biểu cho rằng, quy hoạch được điều chỉnh theo hướng giảm tối đa những tiện ích công cộng và tăng tối đa lợi ích của nhà đầu tư. Sự điều chỉnh này không chỉ dẫn tới ô nhiễm môi trường, kẹt xe, ngập úng tại các đô thị lớn mà còn gây bức xúc cho xã hội.
Bàn về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, ông Phạm Hồng Hà cho hay, theo báo cáo giám sát của Quốc hội về quản lý quy hoạch sử dụng đất, tình trạng điều chỉnh quy hoạch chi tiết đang diễn ra khá phổ biến.
Bộ trưởng Hà nhận định, hiện tại chưa có thông tin về việc điều chỉnh quy hoạch theo hướng có lợi cho nhà đầu tư hoặc theo sức ép song cũng không thể loại trừ. Lãnh đạo Bộ Xây dựng nhấn mạnh: "Thời gian tới, cần nâng cao chất lượng quy hoạch, phương pháp mới về xây dựng quy hoạch. Sau đó, cần nâng cao các công cụ làm quy hoạch như tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức… để tránh việc phải điều chỉnh quy hoạch.