Hầm đường bộ được xây dựng nhằm giảm thiểu tai nạn cho người đi bộ sang đường. Tuy nhiên hiện nay, phần lớn hầm đường bộ tại Hà Nội rơi vào tình trạng “cửa đóng, then cài”, bị bỏ hoang, gây lãng phí tiền tỷ.
Năm 2001, lần đầu tiên hầm dành cho người đi bộ xuất hiện ở Hà Nội theo dự án đường vành đai 3 mà chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Thăng Long. Tiện ích của hầm đường bộ là giải quyết tình trạng giao thông đông đúc, lộn xộn tại Hà Nội, làm phong phú thêm hạ tầng cơ sở, giảm thiểu tai nạn cho người đi bộ sang đường. Tuy nhiên hiện nay, một số hầm đường bộ đang rơi vào tình trạng “cửa đóng, then cài”, bị bỏ hoang, gây lãng phí tiền tỷ.
Theo quan sát, trên đường Phạm Hùng đến đường Trần Duy Hưng có 6 hầm, trong đó chỉ có hầm đối diện Trung tâm Hội nghị Quốc gia và hầm đối diện Bến xe Mỹ Đình và Khu đô thị Mỹ Đình có người qua lại. Những hầm còn lại hầu như trong tình trạng “đắp chiếu”. Trong khi đó, mỗi căn hầm đường bộ phải đầu tư khoảng 2,5 - 3 tỷ đồng với thiết kế hầm rộng, có bậc thang lên xuống và hệ thống chiếu sáng bảo đảm. Thậm chí, nhiều hầm đường bộ đã trở thành nơi lý tưởng để một số người thiếu ý thức “chiếm dụng” làm nơi kinh doanh, buôn bán. Trong đó, phải kể đến 2 căn hầm gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia, cửa kính đã bị đập vỡ vụn.
Anh Phạm Đăng Khôi, một người dân sống gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia cho biết: “Ở ngoài hầm thì một số người biến thành nơi bán nước giải khát, còn bên trong thì bị đội ngũ xe ôm biến thành nhà vệ sinh công cộng. Chúng tôi có phản ánh, lực lượng trật tự dẹp bỏ nhưng chỉ mấy hôm sau đâu lại vào đó”.
Đáng nói nhất là, hầm đường bộ Ngã Tư Sở có vốn đầu tư lớn nhất nhì và là một trong những hầm đường bộ hiện đại nhất Hà Nội bây giờ, với thiết kế tách riêng làn đường dành cho xe đạp, người đi bộ, hệ thống đèn chiếu sáng tốt. Thế nhưng thời gian gần đây, nó lại trở thành điểm giải trí, tập thể dục... của một số người dân sống xung quanh. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng hầm không có người qua lại là phần vì có quá nhiều cửa lên xuống (12 cửa) và bảng chỉ dẫn lại không rõ ràng, phức tạp. Nếu là người không đi quen, hay lần đầu xuống hầm thì dễ bị lạc. Hay như, ở ngã tư Phạm Hùng - Trần Duy Hưng - Khuất Duy Tiến cũng có 2 hầm. Song, 2 hầm này bị rào chắn bởi các thanh gỗ che kín. Còn 2 căn hầm khác trên đường Khuất Duy Tiến trở thành bãi gửi xe và địa điểm tập kết sắt vụn…
Tại sao hầm
đường bộ, cầu vượt văn minh, hiện đại lại bị bỏ hoang gây lãng phí tiền tỷ? Trong khi đó, Hà Nội có rất nhiều vụ tai nạn liên quan đến người đi bộ sang đường. Theo tìm hiểu của PV, nguyên nhân chủ yếu là vì người dân chưa quen sử dụng loại hình giao thông công cộng này, thêm vào đó ý thức còn kém. Đồng thời, công tác an ninh dưới hầm chưa tốt, gây lo lắng cho đại bộ phận người đi bộ mỗi lần đi qua hầm. Ngoài ra, nhiều công trình hầm đường bộ vẫn chưa được bàn giao để khai thác sử dụng vì thủ tục giải phóng mặt bằng và hạ tầng chưa xong.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng nên kịp thời chỉnh trang, quản lý và chính thức đưa vào sử dụng các hầm đường bộ góp phần làm cho Thủ đô văn minh, hiện đại. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng hơn nữa để người dân trong khu vực hiểu rõ tác dụng và có ý thức hơn với việc qua hầm đường bộ để giảm thiểu ách tắc và tai nạn giao thông…
(Theo SKĐS)